KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chính trị
Đăng ngày: 03/04/2025 - Lượt xem: 32
60 năm Ngày Hàm Rồng chiến thắng: Hào khí lịch sử, vươn tầm tương lai

Chiến thắng Hàm Rồng (3-4/4/1965) đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược "chiến tranh phá hoại" của đế quốc Mỹ, khẳng định sức mạnh của lực lượng phòng không và ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam.

Lực lượng Hải quân cơ động bắn máy bay địch trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa trong cuộc quyết chiến ngày 3 và 4/4/1965. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tròn 60 năm trước, ngày 3 và 4/4/1965, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trở thành chiến trường khốc liệt, nơi quân dân ta lập nên một chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trước cuộc tấn công dữ dội của không quân Mỹ với những chiến đấu cơ hiện đại nhất thời bấy giờ, quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, bắn hạ 47 máy bay, bảo vệ vững chắc cây cầu huyết mạch.

Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ làm nức lòng Nhân dân cả nước mà còn giáng một đòn mạnh vào chiến lược "chiến tranh phá hoại" của đế quốc Mỹ, khẳng định sức mạnh của lực lượng phòng không và ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam.

Hàm Rồng - mục tiêu quan trọng trong cuộc “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ

Sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời làm hậu phương lớn chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tuy nhiên, Mỹ và chính quyền Sài Gòn không thực thi Tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Genève, mà ngược lại, gia tăng đàn áp phong trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng miền Nam và những thất bại liên tiếp trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ quyết định leo thang chiến tranh, chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ" và tiến hành "Chiến tranh phá hoại" bằng không quân nhằm vào miền Bắc.

Mục tiêu của Mỹ là hủy diệt cơ sở hạ tầng quan trọng, phá hoại nền kinh tế và làm suy yếu tiềm lực kháng chiến của nhân dân ta.

Trong bối cảnh đó, tuyến đường chi viện từ Bắc vào Nam qua Thanh Hóa có vai trò đặc biệt quan trọng. Cầu Hàm Rồng, bắc qua sông Mã, là cây cầu huyết mạch trên tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Việt, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển lương thực, vũ khí và nhân lực vào miền Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược này, Mỹ đã xác định 60 "điểm tắc" cần phá hủy, trong đó, cầu Hàm Rồng được coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhất nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Các bô lão dân quân phối hợp với bộ đội bắn máy Mỹ, làm nên chiến thắng Hàm Rồng, ngày 3 và 4/4/1965. (Ảnh: TTXVN)

Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ huy động lực lượng không quân hùng hậu với nhiều loại máy bay hiện đại như: “Thần Sấm” F-105, “Siêu lưỡi kiếm” F-100, cùng các phi đội cường kích và trinh sát điện tử và một khối lượng lớn bom, đạn.

Trong đó, máy bay F105 là loại máy bay tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Loại máy bay này được mệnh danh “thần sấm” bởi dựa vào tiếng gầm rít của nó để uy hiếp đối phương.

Theo giới quân sự Mỹ, khi một lực lượng máy bay thần sấm gầm rú trên đầu, đối phương không còn đủ bình tĩnh để ngắm bắn. Lúc ấy, những chiếc F105 cứ việc bổ nhào từng chiếc một mà ném bom.

Thế nhưng quân địch không ngờ được rằng, chính chiến thuật bổ nhào từng chiếc một ấy đã tạo điều kiện cho lực lượng phòng không ở Hàm Rồng nã đạn vào từng chiếc một.

Trước nguy cơ bị đánh phá ác liệt, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng quân và dân ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Lực lượng phòng không, gồm các đơn vị pháo cao xạ, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và các đơn vị công binh, được bố trí chặt chẽ. Bộ đội pháo cao xạ đã tập luyện kỹ lưỡng các phương án tác chiến, kết hợp với hệ thống radar cảnh giới, sẵn sàng đánh trả các cuộc tấn công của địch.

Nhân dân địa phương cũng được huy động để gia cố công sự, bố trí trận địa pháo và tổ chức sơ tán nhằm giảm thiểu thiệt hại.

"Pháo đài thép" Hàm Rồng, biểu tượng bất khuất, bản anh hùng ca vang dội
Chiều 3/4/1965, Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay F-105, F-100 cùng các phi đội tiêm kích yểm trợ, ồ ạt tấn công khu vực cầu Hàm Rồng.

Mỗi ngọn núi, dòng sông, công trường, nhà máy đều trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt. Với chiến thuật đánh phủ đầu, Mỹ sử dụng bom napan, bom phá hủy và rocket nhằm cắt đứt cây cầu ngay từ những đợt tấn công đầu tiên.

Tuy nhiên, hệ thống phòng không của ta được bố trí chặt chẽ với trận địa pháo cao xạ 37mm, 57mm và các đơn vị súng máy phòng không đồng loạt khai hỏa. Lần đầu tiên quân ta có cuộc chạm trán khốc liệt với máy bay Mỹ đến thế.

Cùng với các lực lượng chiến đấu, dân quân các thôn xung quanh cũng phối hợp chặt chẽ theo phương án bắn máy bay đã được luyện tập.

Ngay trong ngày đầu tiên, quân dân Hàm Rồng đã bắn hạ 17 máy bay Mỹ, trong đó có cả “thần sấm” F105 lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời miền Bắc. Cả nước náo nức về chiến công của quân, dân Hàm Rồng, Nam Ngạn.

Ngay trong đêm đó, đông đảo tự vệ, dân quân các địa phương đã được điều đến các trận địa để tu bổ hầm hào, Bộ Tổng tư lệnh điều động tiếp 3 đại đội pháo 57 của đoàn Tam Đảo hành quân cấp tốc từ phía Tây Nghệ An về Hàm Rồng để chuẩn bị cho một ngày chiến đấu dự báo là ác liệt hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra.

Sáng 4/4, Mỹ huy động lực lượng hùng hậu hơn với hàng trăm lượt máy bay các loại, thực hiện chiến thuật đánh nhiều đợt nhằm làm tiêu hao hệ thống phòng không của ta.

Nhưng với tinh thần thép, các chiến sỹ pháo cao xạ vẫn kiên cường bám trận địa, điều chỉnh chiến thuật tác chiến linh hoạt, chia lửa từ nhiều hướng, tập trung hỏa lực vào các tốp máy bay xung kích.

Các đơn vị pháo binh kết hợp chặt chẽ với bộ đội công binh bảo vệ cầu, sẵn sàng khắc phục những hư hại nhỏ ngay sau mỗi trận bom.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) từng bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường trong chiến thắng Hàm Rồng, tại Lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2/9/1973. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Với tinh thần quyết tâm và sự phối hợp nhịp nhàng, quân dân ta đã bắn hạ thêm 30 máy bay Mỹ trong ngày 4/4, khiến Mỹ phải thừa nhận thất bại, rút lui khỏi chiến trường Hàm Rồng.

Trận đánh bảo vệ cầu Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường và nghệ thuật quân sự tài tình của quân dân ta. Bằng chiến thuật phòng không hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cây cầu huyết mạch, Hàm Rồng đã đứng vững trước cuộc không kích dữ dội của Mỹ.

Dấu ấn quá khứ, vươn tầm tương lai

Chiến thắng Hàm Rồng là mốc son chói lọi trong sử sách kháng chiến chống Mỹ, khẳng định tinh thần quyết thắng của Nhân dân ta.

Trận đánh không chỉ bảo vệ thành công cây cầu huyết mạch mà còn thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng phòng không miền Bắc, góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh phá hoại" của Mỹ; khẳng định miền Bắc không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là thành trì kiên cường, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Hiện nay, cầu Hàm Rồng trở thành biểu tượng lịch sử và điểm nhấn du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Khu vực này đã được quy hoạch và phát triển thành Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh cầu Hàm Rồng cũ, cầu Hoàng Long hiện đại đã được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.

Người dân Hàm Rồng hôm nay phát huy truyền thống hào hùng, chung tay kiến tạo quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại.

Hàm Rồng hôm nay đã trở thành khu vực phát triển năng động của Thanh Hóa, trung tâm đô thị sầm uất, điểm đến văn hóa, lịch sử và du lịch hấp dẫn.

Những công viên xanh mát, trung tâm thương mại hiện đại, cùng các di tích lịch sử như cầu Hàm Rồng, đồi C4, núi Ngọc Tượng... được bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sự giao thoa hài hòa giữa quá khứ và hiện tại.

Năm 2024, để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu vực số 8A (Quyết định 3975/QĐ-UBND). Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của Hàm Rồng, kết hợp giữa bảo tồn giá trị lịch sử và xây dựng đô thị hiện đại./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan