KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 25/08/2023 - Lượt xem: 454
Ân Thi: Khắc phục khó khăn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ân Thi nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở trường lớp, giáo viên để bảo đảm yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Chuẩn bị phòng học chuẩn bị cho năm học 2023-2024 tại xã Bắc Sơn
CTGDPT 2018 được triển khai từ năm học 2020-2021 bắt đầu từ lớp 1. Kết thúc năm học 2022-2023, đã có các lớp 1,2,3 (cấp tiểu học), lớp 6, 7 (cấp THCS) và lớp 10 (THPT) học theo CTGDPT 2018. Thực hiện hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường thực hiện việc nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các bộ sách giáo khoa, đề xuất lựa chọn có tính liên thông và đồng bộ các khối lớp theo từng năm học. Các trường tiểu học, trung học cơ sở được giao quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể; chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực với học sinh, vừa bảo đảm yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, vừa bảo đảm mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Tổ chức thực hiện CTGDPT 2018, các trường thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình GDPT 2018; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình, sách giáo khoa theo CTGDPT 2018. Kế hoạch giáo dục nhà trường được xây dựng trên cơ sở điều kiện giáo viên, nội dung tích hợp các phân môn. Kế hoạch bài dạy được xây dựng bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu. Tăng cường hình thức giảng dạy và học tập theo hướng nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, dạy học, tổ chức ngày hội STEM; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đối với phân môn Lịch sử, tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lại lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học lịch sử. Đối với lớp 5, thực hiện nghiêm túc điều chỉnh nội dung dạy các môn học ở lớp 5 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh được chuẩn bị học lớp 6 theo CTGDPT 2018. Đối với các khối lớp 8,9 thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và phù hợp điều kiện thực tế; rà soát chương trình, sắp xếp nội dung theo các chủ đề học tập phù hợp với đối tượng học sinh. Việc sắp xếp không cắt xén cơ học mà căn cứ vào nội dung các bài tập học trong chương trình sắp xếp thành chủ đề gồm một số bài có đơn vị kiến thức bổ trợ nhau thành một chủ đề để thuận lợi cho việc thực hiện đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Theo hướng dẫn của Sở GDĐT, phòng chỉ đạo các trường bổ sung nội dung kiến thức vào một số môn học của khối lớp 9 để học sinh được chuẩn bị học lớp 10 theo CTGDPT 2018.
Đồng chí Trương Văn Ty, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, để thực hiện CTGDPT 2018, 100% số cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học và THCS được bồi dưỡng thực hiện CTGDPT 2018. Các trường chọn cử giáo viên dạy những khối lớp theo CTGDPT 2018 tham gia tập huấn do các cấp tổ chức. Các cụm trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, đặc biệt những nội dung khó, mới trong chương trình. Đã có 35 giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, 97 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, 81 giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS đã được bồi dưỡng chương trình mới; gần 50 giáo viên các môn học này đang tiếp tục được bồi dưỡng.
Thực hiện CTGDPT 2018 đòi hỏi mỗi lớp phải có một phòng học đối với tiểu học; bảo đảm 1,5 giáo viên/lớp để dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2022-2023, cấp tiểu học được đầu tư xây mới 56 phòng, sửa chữa 75 phòng, bảo đảm đủ mỗi lớp 1 phòng học. Tuy vậy, hiện nay, các trường tiểu học trong huyện mới tổ chức dạy 7-8 buổi/tuần do chưa đủ giáo viên.
Từ năm học 2022-2023, cấp tiểu học bắt đầu triển khai dạy 2 môn bắt buộc từ lớp 3 là Tin học và Ngoại ngữ. Các nhà trường đều được trang bị thiết bị dạy học tối thiểu như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, tranh ảnh... các thiết bị dạy học dùng chung. Đối với môn ngoại ngữ, các giáo viên trước đây đã có bằng đào tạo ngoại ngữ khi tuyển dụng là nhân viên thiết bị, thí nghiệm cấp THCS đã được chuyển đổi sang giáo viên môn Ngoại ngữ, do vậy cơ bản đủ ở các trường. Đối với môn Tin học, hiện nay toàn huyện có 6 giáo viên đảm nhận dạy ở tất cả các trường tiểu học trong huyện. Năm học 2023-2024, số học sinh tăng, để bảo đảm số giáo viên trên lớp, các trường dồn lớp sĩ số có thể lên 40-45 học sinh/lớp, điều động, biệt phái giáo viên văn hóa giữa các nhà trường. Năm nay dự kiến biệt phái 11 giáo viên cùng với hơn 10 giáo viên vẫn đang trong thời gian điều động. Đối với THCS, dự kiến biệt phái 12 giáo viên và điều động giáo viên dạy các tiết học giữa các trường.
Phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, đồng chí Dương Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao sự vượt khó của các nhà trường, đội ngũ giáo viên, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội dành cho giáo dục. Đồng thời yêu cầu các trường phân công, bố trí giáo viên phù hợp; chú trọng kết hợp giáo dục tri thức với đạo đức, kỹ năng sống; phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND huyện cử giáo viên đi đào tạo đạt chuẩn và bố trí điều động, bổ sung giáo viên cho các trường còn thiếu đáp ứng công tác giảng dạy trong năm học mới 2023-2024.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan