Toàn huyện Ân Thi hiện nay có 450 héc-ta trồng nhãn các loại, trong đó diện tích trồng các giống nhãn cổ đặc sản như đường phèn, cùi vân… chiếm khoảng 50%.
Cùi vân là tên một giống nhãn cùi cổ đã tồn tại, lưu truyền ở xã Hạ Lễ từ nhiều năm nay. Những người cao niên ở đây cho biết, trong xã hiện còn cây nhãn già nhất đã hơn 80 năm tuổi. Giống như tên gọi, nhãn cùi vân khi chín cùi dày, màu trắng trong hơi ngà vàng, hằn lên những đường vân rõ nét, hạt nhỏ và róc, khi ăn có độ giòn, thơm, vị ngọt sắc nhưng không khé cổ…
Sản xuất nhãn cùi vân tại Hợp tác xã nhãn cùi vân HL1, HL2 xã Hạ Lễ
Toàn xã Hạ Lễ có khoảng 70 héc-ta nhãn các loại, trong đó diện tích nhãn cùi vân chiếm trên 40%, tập trung chủ yếu tại thôn 3 và thôn 5. Giống nhãn này chín vào trà trung (trà chính vụ), thời gian thu hoạch có thể kéo dài một tháng từ lúc bắt đầu chín mà vẫn giữ được chất lượng. Đây cũng là một ưu điểm nổi bật của giống nhãn này, vì vậy có thể cạnh tranh về giá bán, chất lượng ngay ở thời điểm sản lượng nhãn nhiều. Bà Tạ Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Lễ cho biết: Nhãn cùi vân có năng suất cao, chùm to, đẹp, kích thước quả đồng đều… nên bán được giá, ở mức 35.000 – 70.000 đồng/kg. Thời gian qua, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị giống nhãn cổ tại địa phương, Hội Nông dân xã chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất giống uy tín, chất lượng tại địa phương để cung cấp, giới thiệu đến người dân có nhu cầu; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, kiến thức sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ… đến hội viên nông dân nên năng suất và chất lượng quả nhãn bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cùng với các giải pháp từ chính quyền địa phương và hoạt động hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ từ các ngành chức năng… nên thị trường tiêu thụ tốt, giá bán ổn định, nông dân yên tâm sản xuất và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với những ưu điểm mang lại, nhiều hộ nông dân ở xã Hạ Lễ tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng giống nhãn cùi vân theo hướng VietGAP. Ông Đỗ Đức Kha, Giám đốc Hợp tác xã nhãn cùi vân HL1, HL2 xã Hạ Lễ cho biết: Để xây dựng thương hiệu nhãn cùi vân, chuyển hướng sản xuất nhãn từ tự phát, nhỏ lẻ sang tập trung theo quy trình VietGAP, năm 2018, chúng tôi thành lập hợp tác xã có 23 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 11,5 héc-ta. Thời gian qua, các hộ thành viên của hợp tác xã nhận thức cao về việc lưu giữ và phát triển giống nhãn đặc sản của địa phương nên đã chuyển dần từ các giống nhãn khác sang trồng nhãn cùi vân, đến nay diện tích đạt khoảng 60% và sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tới.
Bên cạnh giống nhãn cổ vùi vân, hiện nay nhiều hộ nông dân ở huyện Ân Thi đang tiếp tục cải tạo, duy trì giống nhãn đường phèn “tiến vua” nức tiếng. Anh Phan Văn Đàm ở thôn Bình Xá, xã Tiền Phong cho biết: Gia đình tôi trồng 0,6 héc-ta nhãn các loại, trong đó có gần chục cây nhãn đường phèn, năm nay thu được 5 - 6 tạ quả. Khách hàng đến tận vườn đặt mua với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Thời gian qua, các hộ trồng nhãn tại xã Tiền Phong đang dần chuyển đổi từ các giống nhãn đại trà sang nhãn đặc sản. Cùng với đó là tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để nhãn chín sớm, nâng cao giá trị của quả nhãn. Ông Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Bảo Tiến, xã Tiền Phong cho biết: Hợp tác xã có 15 héc-ta nhãn các loại, trong đó diện tích nhãn đường phèn chiếm 5%. Ý thức được giá trị và hiệu quả kinh tế từ những cây nhãn cổ đặc sản mang lại nên thời gian qua các thành viên luôn cố gắng bảo vệ, chăm sóc để cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời nhân giống các cây con để duy trì nguồn gien quý của cây, từ đó có nguồn giống bảo đảm để cải tạo, thay thế những cây kém chất lượng.
Đồng chí Cao Thị Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ân Thi cho biết: Các giống nhãn đường phèn, cùi vân mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Để bảo tồn và phát huy giá trị những giống nhãn cổ đặc sản tại địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, những cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao; nhân rộng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao, mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình sản xuất VietGAP; phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn quả nói chung.
Nguồn: https://baohungyen.vn