Làm thế nào để tất cả các bên cùng thắng trên thị trường thương mại nông sản? Vấn đề này được phóng viên TTXVN giải đáp trong chùm 3 bài viết với chủ đề "Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu."
Thu hoạch càphê ở ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản đóng góp ngày càng lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với nhiều mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 3 tỷ USD như gạo, càphê, điều, rau quả…
Hậu đại dịch COVID-19 cộng thêm tác động của các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu khiến giá nhiều loại nông sản liên tục tăng cao, kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản Việt Nam cũng liên tục lập nên những con số kỷ lục mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào giá trị xuất khẩu tăng cao cũng đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế và việc đảm bảo lợi nhuận của các bên trong chuỗi cung ứng.
Nghịch lý “giá càng cao, lỗ càng đậm” của chuỗi lúa gạo hay tình trạng “mua đắt, bán rẻ” ở ngành điều năm 2023 và tình trạng “chới với” của các nhà xuất khẩu càphê khi giá càphê liên tục lập đỉnh thời gian gần đây đang đặt ra bài toán: làm thế nào để các bên cùng thắng trên thị trường thương mại nông sản?
Bài 1: Nghịch lý trong kinh doanh nông sản
Về lý thuyết, khi giá nông sản xuất khẩu tăng cao, nông dân và doanh nghiệp kinh doanh đều sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên thực tế của nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD như lúa gạo, điều, càphê từ năm 2023 đến nay lại ngược lại, giá càng cao doanh nghiệp càng lo, càng bán càng lỗ.
Càphê trong cơn bão giá
Giá càphê xuất khẩu đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, từ giai đoạn cuối năm 2023 đến nay, mỗi đợt tăng giá chỉ cách nhau trong khoảng thời gian ngắn với mức tăng trung bình từ một chục đến vài chục USD/tấn.
Giá càphê xuất khẩu cao kỷ lục cũng đã kéo giá thu mua càphê thô trong nước tăng cao lên mức chưa từng có. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, giá càphê nhân nội địa đã tăng “thẳng đứng” từ mức 90.000 đồng/kg lên trên 135.000 đồng/kg.
Trong số đó, chỉ nửa cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm, giá càphê đã tăng thêm 25.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá càphê tăng “nóng” được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, nắng nóng và hạn hán tại các quốc gia trồng càphê lớn như Brazil, Việt Nam… dẫn đến giảm sản lượng, lo ngại khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng.
Giá càphê liên tục tăng phi mã cùng với việc thiếu hụt nguồn cung đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chuyển từ vui mừng khi bán được hàng sang lo lắng vì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra trên diện rộng.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội càphê-Cacao Việt Nam cho biết niên vụ 2022-2023 và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu càphê của Việt Nam tăng trưởng mạnh một phần nhờ giá bán cao kỷ lục.
Mặc dù nhu cầu thị trường và giá đều cao nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu càphê lại đang gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ.
Trong khi phần lớn nông dân đã bán càphê cho thương lái trước đó với giá 60.000-70.000 đồng/kg thì hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu phải mua vào với giá cao hơn nhiều để giao cho các đơn hàng được ký từ trước.
Theo ông Đỗ Hà Nam, thời gian qua đã có hiện tượng đại lý thu mua và doanh nghiệp thu mua không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành càphê Việt Nam.
Tình trạng trên có dấu hiệu lan rộng, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành càphê.
Nông dân Kon Tum thu hái càphê phục vụ chế biến xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN phát)
Ông Edward Olivier Helmond, Đại diện Công ty Neumann Gruppe Việt Nam cho biết Neumann Gruppe Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nhà cung ứng chậm giao hàng, hủy không giao hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả các bạn hàng trong lĩnh vực rang xay.
Đây là những đơn hàng đã được ký kết từ trước, nhưng khi giá càphê nội địa biến động mạnh, nhiều người bán không tôn trọng điều khoản giao hàng như cam kết.
Tình trạng này không còn đơn lẻ mà có chiều hướng lan rộng; quan hệ kinh doanh bị phá vỡ, kể cả với các đối tác lâu năm của công ty.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho rằng từ đầu niên vụ càphê 2023-2024 đến nay, ngành càphê đã trải qua những biến động không thể lường trước.
Trong khi nông dân trồng càphê hồ hởi thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao. Việc giá càphê tăng “chóng mặt” khiến một số đơn vị thu gom hủy hợp đồng, không giao hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp xuất khẩu không được giao hàng với các đơn đã ký giá thấp, buộc phải mua bù giá cao hơn để giao cho đối tác. Nhưng khi giá càphê tiếp tục tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp tục bị đối tác huỷ hợp đồng dẫn đến lỗ chồng lỗ.
Nỗi buồn ngành lúa gạo và điều
Thực trạng của ngành càphê hiện nay không phải hiện lượng lạ, bởi trước đó năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo và điều cũng lâm vào tình cảnh “càng bán càng lỗ."
Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục cả về sản lượng và giá trị khi bán ra thế giới 8,3 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,78 tỷ USD, đây là kết quả cao nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của nước ta từ trước đến nay.
Tuy nhiên, trái ngược với những con số ấn tượng đó, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.
Khi nhu cầu lương thực thế giới tăng bởi nhiều quốc gia nhập khẩu lương thực lo ngại xung đột và biến đổi khí hậu.
Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trong bối cảnh đó, ngày 20/7/2023, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng và áp thuế 20% với gạo đồ.
Ngay sau lệnh cấm, giá gạo thế giới liên tục tăng nhanh. Có thời điểm giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đạt tới mức gần 650 USD/tấn, cao nhất thế giới.
Tại thị trường nội địa, giá lúa gạo cũng tăng “chóng mặt” theo từng ngày.
Nếu như những năm trước, nông dân chỉ mong giá lúa đạt 5.000 đồng thì tháng 8/2023 trở đi, giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quanh mức 7.500-8.200 đồng/kg, có thời điểm giá lúa lên mức 9.000 đồng/kg, tương đương giá gạo thành phẩm lên mức 13.000-14.500 đồng/kg.
Với giá gạo thu mua này, doanh nghiệp phải bán ra ở mức 700 USD/tấn mới có lãi, trong khi giá xuất khẩu cao nhất cũng chỉ xoay quanh 650 USD/tấn.
Thời điểm đó, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo trong nước tăng nhanh hơn cả giá gạo thế giới khiến chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy.
Khi giá gạo tăng liên tục, nông dân, thương lái, đơn vị thu mua có tâm lý ghim hàng, chờ giá trong khi doanh nghiệp xuất khẩu đến thời hạn giao hàng, không thể chờ, buộc phải nâng giá mua để gom đủ hàng giao cho đối tác. Do đó, doanh nghiệp càng có nhiều đơn hàng phải giao thì càng lỗ.
Cũng rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ như gạo nhưng vấn đề của ngành điều nằm ở chỗ không làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết những năm trước, khi chế biến xuất khẩu điều thuận lợi, nhà máy chế biến tại Việt Nam tăng nóng cả về số lượng và công suất chế biến với gần 1.500 nhà máy, cơ sở chế biến lớn, nhỏ.
Gia công hạt điều thô tại xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH - TTXVN)
Việt Nam hiện là quốc gia chế biến, xuất khẩu khoảng 80% sản lượng điều nhân toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Ước tính mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 65% sản lượng điều thô thế giới.
Vấn đề nằm ở chỗ dù là nước chế biến-xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam không làm chủ được thị trường; doanh nghiệp điều luôn phải mua nguyên liệu giá cao và lại bán nhân với giá thấp dẫn đến thua lỗ.
“Giá thành cao hơn giá bán thời gian qua đã khiến cho hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân Việt Nam bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận. Không ít cơ sở chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng. Nguy cơ đóng cửa hàng loạt nhà máy chế biến điều đang cận kề," ông Phạm Văn Công nêu thực trạng./.
Bài 2: Lỗ hổng thông tin và áp lực cạnh tranh
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn