Trong bài 1 của chùm bài, chúng ta đã nhắc tới những cuộc đời bị đánh cắp sau khi trở thành nạn nhân mua bán người, còn bài 2 sẽ nêu việc trừng trị những kẻ gây nên những tội ác ấy.
Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức xét xử sơ thẩm đường dây dụ dỗ, tổ chức đưa 11 phụ nữ Việt Nam gả bán cho người Trung Quốc trái phép. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)
Tiếp tục chùm bài "Nạn buôn bán người - Đừng để nỗi đau tận cùng cho nạn nhân và người thân," trong phần 2 này, chúng ta sẽ bàn về việc triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật.
Bài 2: Mua bán người - Tội ác phải bị luật pháp nghiêm trị
Lợi dụng sự cả tin của những người gặp khó khăn, tội phạm về mua bán người dùng đủ mọi chiêu trò, mánh khóe tinh vi để lừa gạt, khiến họ “sập bẫy.”
Các đối tượng hứa hẹn “con mồi” về tương lai có thu nhập ổn định hơn, có thể giúp tình hình gia đình khá hơn nếu chấp nhận tham gia di cư lao động ở một đất nước mới.
Chúng xây dựng ảo tưởng cho nạn nhân về cuộc sống sung sướng nếu kết hôn với người nước ngoài để rồi đưa họ vào những động mại dâm.
Trước những diễn biến phức tạp này, cùng với các cảnh báo để người dân không rơi vào “cạm bẫy,” lực lượng chức năng đang truy bắt, xét xử những kẻ tội phạm buôn người.
Vén màn “cạm bẫy”
Ngày 17/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức xét xử sơ thẩm đường dây dụ dỗ, tổ chức đưa 11 phụ nữ Việt Nam gả bán cho người Trung Quốc trái phép, đồng thời tuyên phạt 6 bị cáo gồm: Lương Thị Hải (31 tuổi, trú tại tỉnh Nghệ An) 30 năm tù về các tội mua bán người dưới 16 tuổi, mua bán người, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Bị cáo Phạm Thị Tú (61 tuổi, trú tại tỉnh Bạc Liêu) 29 năm tù về các tội mua bán người dưới 16 tuổi, mua bán người, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hà (45 tuổi) 10 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi; bị cáo Huỳnh Mộng Linh (36 tuổi), 8 năm tù, Thạch Thị Thu Nga (45 tuổi), 6 năm tù, Nguyễn Thị Tuyền (30 tuổi) 5 năm tù cùng về tội mua bán người, các bị cáo này đều trú tại tỉnh Bạc Liêu.
Theo cáo trạng, từ năm 2015, bị cáo Lương Thị Hải xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê rồi lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam.
Khoảng thời gian này, Lương Thị Hải biết nhiều đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam để sinh con nên đã cùng chồng cấu kết với một số đối tượng khác tìm kiếm, dụ dỗ đưa nhiều phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép, bán cho đàn ông Trung Quốc thông qua môi giới hôn nhân để thu lợi bất chính.
Từ năm 2019, thông qua các trang mạng xã hội mai mối phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, Lương Thị Hải quen biết và cấu kết với Phạm Thị Tú, Huỳnh Mộng Linh và nhiều đối tượng khác tìm kiếm phụ nữ tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhu cầu tìm việc làm lương cao hoặc lấy chồng Trung Quốc giàu có, từ đó dụ dỗ đưa sang Trung Quốc rồi bán. Trong đó, Tú là người trực tiếp hoặc thông qua một số đối tượng khác tìm kiếm phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu rồi thuyết phục, dụ dỗ gia đình hoặc bản thân những phụ nữ này đồng ý.
Các đối tượng thường đưa người đến Sân bay Cần Thơ hoặc Sân bay Tân Sơn Nhất giao cho các đối tượng khác đưa đến Hà Nội rồi sang Trung Quốc theo đường mòn, lối mở qua biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.
Khi sang Trung Quốc, những phụ nữ trên sẽ bị quản thúc tại nhà riêng của các đối tượng và tìm mối gả bán.
Những người không đồng ý sẽ bị đánh đập, đe dọa, ép buộc phải đồng ý. Tùy thuộc vào độ tuổi, ngoại hình của phụ nữ, những người đàn ông Trung Quốc phải trả cho bị cáo Lương Thị Hải từ 200-400 triệu đồng/người.
Sau đó, Hải chuyển tiền về Việt Nam cho Tú từ 140-160 triệu đồng/người. Khi nhận được tiền, Tú trực tiếp đưa cho người thân của các nạn nhân số tiền từ 20-100 triệu đồng, như đã thỏa thuận trước đó, số tiền còn lại Tú hưởng lợi.
Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, Hải cùng chồng hưởng lợi từ 80-100 triệu đồng/người.
Sau khi bị bán sang Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị quản thúc, ngược đãi, đánh đập nên đòi về Việt Nam.
Đại diện Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bàn giao cháu bé sơ sinh trong chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi cho cơ quan bảo trợ xã hội địa phương. (Ảnh: Nông Tuấn/TTXVN phát)
Các bị cáo buộc người thân của họ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận trước đó và chi phí để đưa về Việt Nam; có người bỏ trốn đã bị truy tìm, bắt giữ lại, đe dọa và yêu cầu người thân phải đưa tiền chuộc mới thả cho đi.
Từ năm 2019-2021, bị cáo Hải và Tú với vai trò chủ mưu, cầm đầu đã câu kết chặt chẽ với các bị cáo nêu trên tìm kiếm, dụ dỗ và tổ chức đưa 11 phụ nữ Việt Nam gả bán cho người Trung Quốc thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Trong các nạn nhân, có người chưa đủ 16 tuổi. Huỳnh Mộng Linh và Thái Thị Hậu cũng là nạn nhân bị bán sau đó trở lại giúp sức cho đường dây phạm tội.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ án về mua bán người mà lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và truy tố, đưa ra xét xử.
Theo Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), tội phạm buôn bán người đã lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng có thể sử dụng các tài khoản ẩn danh, sim rác, không trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân để tiếp cận, dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin để đưa ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã rà soát, có khoảng 3.300 trang mạng xã hội, group kín liên quan đến tuyển mua lao động, dụ dỗ người, cho nhận con nuôi, đẻ thuê...
Hằng năm, Bộ Công an đều mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật.
Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm."
Tội ác biến hóa khôn lường
Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân.
Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 386 vụ với 808 bị can.
Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế. Thậm chí, số lượng các vụ án bị khởi tố về các tội mua bán người ít hơn so với giai đoạn trước.
Giai đoạn từ năm 2012-2020, trung bình một năm khởi tố 162 vụ; giai đoạn từ năm 2018-2022, trung bình một năm khởi tố 77,2 vụ. Các vụ án mua bán người được phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Chất lượng điều tra còn có mặt hạn chế, còn 56 bị can phạm tội mua bán người bỏ trốn phải truy nã.
"Có những vụ án xảy ra trong thời gian dài, phạm tội có tổ chức, nhiều đối tượng cấu kết cùng thực hiện tội phạm với nhiều nạn nhân bị mua bán, trong đó có nhiều người dưới 16 tuổi nhưng không được kịp thời phát hiện," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Nga cũng cho hay Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người.
Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi.
Đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng... Ngày càng có nhiều vụ mua bán người trong nước bị phát hiện gây bất an, lo lắng trong nhân dân.
Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm.
Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương trong năm 2023 cho thấy những hạn chế, vướng mắc nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không còn phù hợp; đồng thời cũng có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa thật sự hiệu quả...
"Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải đánh giá chính xác tình trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước, thực trạng tội phạm trong lĩnh vực này và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới," Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn