Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang là xu hướng chung của cả nước, đòi hỏi tỉnh phải có những sáng kiến, cải cách mạnh mẽ để tăng tốc trong cuộc đua cải thiện, tăng thứ hạng PCI.
Sản xuất tại Nhà máy lắp ráp- sản xuất ô tô Maz-Asia (Kim Động)
Thực tế cho thấy, cải thiện, nâng cao chỉ số PCI là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ngày 7/7/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125/KH – UBND nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện các chỉ số thành phần của chỉ số PCI, coi đây là nhiệm vụ chính trị của tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chứ không phải của riêng bất cứ một ngành, cơ quan nào. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước UBND tỉnh về những việc, những nội dung còn yếu kém ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, tới chỉ số PCI. Chính quyền minh bạch, cán bộ, công chức tận tâm, trách nhiệm với khát vọng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo tinh thần “đổi mới - sáng tạo - minh bạch - công tâm - đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân, doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”. Thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đi vào thực chất và hiệu quả, tránh thực hiện hình thức và chạy theo thành tích. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và thanh toán không dùng tiền mặt; khẩn trương thực hiện tích hợp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến lên cổng Dịch vụ công quốc gia. Đối với 10 chỉ số thành phần trong bảng xếp hạng PCI, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng chung tay thực hiện. Cụ thể như: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện chỉ số “Gia nhập thị trường” và chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện chỉ số “Tiếp cận đất đai”; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện chỉ số “Tính minh bạch”; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì thực hiện chỉ số “Chi phí thời gian” và chỉ số “Tính năng động của chính quyền”; Thanh tra tỉnh chủ trì thực hiện chỉ số “Chi phí không chính thức”; Sở Công Thương chủ trì thực hiện chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện chỉ số “Đào tạo lao động”; Sở Tư pháp chủ trì thực hiện chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Đồng chí Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Thực hiện Kế hoạch UBND tỉnh giao, sở tập trung cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc đề xuất đơn giản hóa, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập, thay đổi, bổ sung về đăng ký kinh doanh, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; công khai và minh bạch trong việc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, công chức hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo hình thức trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, rút ngắn số ngày giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 2 ngày làm việc. Niêm yết đầy đủ, công khai, minh bạch thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư. Trên Cổng Thông tin điện tử của sở đăng tải các chính sách, pháp luật mới và công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp…”.
Một yếu tố quan trọng để có được điểm số cao trong PCI của tỉnh, đáng kể đến là hoạt động chăm sóc, hỗ trợ các dự án đầu tư sau cấp phép. Việc chăm sóc các dự án sau cấp phép thể hiện sự chuyên nghiệp, tính bền vững trong môi trường đầu tư kinh doanh. Sau khi dự án được cấp phép đầu tư, tỉnh khẩn trương giải phóng mặt bằng, bố trí mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động. Lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu, có sự tham gia của các ngành chức năng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư. Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tuyên dương người nộp thuế tiêu biểu, kịp thời khích lệ các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế… Bà Phạm Thị Thảo, Giám đốc Công ty VHS Chi nhánh Hưng Yên (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi đăng ký thành lập doanh nghiệp với thủ tục hành chính nhanh và đơn giản. Các giao dịch với cơ quan chức năng được cán bộ, công chức đơn vị hướng dẫn, giúp đỡ tận tình. Hiện nay, doanh nghiệp hoạt động tốt và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Hưng Yên.
Kế hoạch số 125/KH – UBND của UBND tỉnh đặt ra mục tiêu: Phấn đấu nâng vị trí xếp hạng của tỉnh Hưng Yên năm 2022 trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế khá; điểm số PCI tăng từ 1,6 điểm đến 2,5 điểm so với năm 2021. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cấp, các ngành, điểm số xếp hạng có sự tăng trưởng ngoạn mục. Kết quả VCCI công bố PCI năm 2022: Hưng Yên tăng 4,15 điểm so với năm 2021. Như vậy, kết quả này đã vượt khá cao so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh 4 chỉ số có sự tăng trưởng mang tính đột phá, theo lãnh đạo VCCI, các chỉ số mà tỉnh cần tiếp tục nỗ lực cải thiện như: Đào tạo lao động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian… Đây là những chỉ số đạt điểm thấp và tụt điểm so với năm 2021.
Qua việc VCCI tiến hành điều tra PCI và công bố hằng năm, chỉ số PCI ngày càng trở thành một kênh hiệu quả, tin cậy để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trao gửi những ý kiến, mong đợi của mình về một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tới chính quyền các cấp. Đối với Hưng Yên, để cải thiện PCI, mấu chốt quan trọng nhất là đã thẳng thắn nhận diện “chướng ngại vật”, những điểm nghẽn căn bản, từ đó có giải pháp tháo gỡ quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Vui mừng với kết quả của năm 2022, để tiếp tục giữ vững và thăng hạng PCI trong những năm tiếp theo, đòi hỏi tỉnh cần có những giải pháp vừa linh hoạt, vừa bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao PCI đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các ngành chức năng rà soát các nhiệm vụ, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 12 của UBND tỉnh và “Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, để tiếp tục thực hiện sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
Nguồn: https://baohungyen.vn