Theo bài viết trên báo Cairo Today, một trong những báo điện tử uy tín hàng đầu ở Ai Cập, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi cục diện thế giới.
Nhà báo Hassan nêu bật ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN)
Trong bài viết với nhan đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam" đăng ngày 21/4 trên báo Cairo Today, một trong những báo điện tử uy tín hàng đầu ở Ai Cập, nhà báo Ai Cập Ahmed Hassan đã nêu bật ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam, đồng thời đánh giá dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và nhân dân Việt Nam đang vững bước trên con đường phát triển thịnh vượng, với nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm Đổi mới.
Theo tác giả bài viết, chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử còn vang dội cho đến ngày nay, khi người dân trên khắp đất nước kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến thắng không chỉ có ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, mở đường cho phong trào độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới một "đội quân thuộc địa" đánh bại một đội quân chuyên nghiệp châu Âu.
Chiến thắng không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn là sự cổ vũ, nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với các nước thuộc địa khác trên thế giới trong hành trình chống chiến tranh xâm lược, giành độc lập.
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Với cảm hứng mang tên "Việt Nam," các dân tộc thuộc địa ở nhiều nơi trên thế giới đã đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước, nhất là ở các nước thuộc địa của Pháp.
Sau trận Điện Biên Phủ, những người lính châu Phi trở về quê hương mang theo những bài học về chiến tranh nhân dân Việt Nam và nhiều người trong số họ đã trở thành những chiến sĩ, người lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở quê hương họ.
Chỉ riêng năm 1960, 17 quốc gia đã giành được độc lập, do đó năm 1960 được gọi là "Năm châu Phi."
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có tầm quan trọng lịch sử quốc tế, mở ra một kỷ nguyên mới, một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh dũng của các dân tộc thuộc địa nhằm giải phóng mình khỏi ách thống trị của đế quốc Anh, Pháp, Bỉ, Mỹ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và con đường đi tới độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam đã cổ vũ, góp phần mở ra một tương lai tươi sáng cho phong trào giải phóng của tất cả các dân tộc trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách, đập tan thành trì của hệ thống thuộc địa, cổ vũ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Chiến thắng đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ, khí phách, ý chí bất khuất của Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ 'Quyết chiến, Quyết thắng' của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)
Chiến thắng Điện Biên Phủ là "cột mốc vàng rực rỡ của lịch sử." Chiến thắng đã trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở, điều kiện để nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Ngày nay, đất nước và nhân dân Việt Nam đang vững bước trên con đường phát triển thịnh vượng. Công cuộc Đổi mới của Việt Nam trong gần 40 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước nghèo và kém phát triển, quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày nay không ngừng mở rộng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 đạt 430 tỷ USD. Xét về quy mô, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 trên toàn cầu. Việt Nam đã rời nhóm nước thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD).
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế là rất cao, đồng thời cũng thể hiện quan điểm "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn