Vì mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra chất lượng sản phẩm nông sản huyện Yên Mỹ
Năm 2023, Chi cục đã thành lập 6 đoàn giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại 362 cơ sở, lấy 1.826 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng, gồm: 1.795 mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh (trong đó có 1.340 mẫu thực vật, 455 mẫu động vật) và 31 mẫu kiểm tra định lượng (trong đó 20 mẫu thực vật, 11 mẫu động vật). Kết quả có 79/1.826 mẫu vi phạm; gồm 35/1.340 mẫu thực vật vi phạm, 44/455 mẫu sản phẩm động vật vi phạm. Tại thời điểm giám sát, đoàn giám sát đã nhắc nhở yêu cầu các cơ sở thực hiện các điều kiện kinh doanh thực phẩm, ghi chép và lưu giữ hồ sơ trong kinh doanh, quản lý nguồn gốc sản phẩm... Đối với các mẫu sau khi kiểm tra định lượng, hoặc test nhanh, kết quả được thông báo công khai tới các đối tượng được lấy mẫu, người tiêu dùng trên địa bàn, đồng thời thông báo kết quả tới UBND cấp xã, UBND cấp huyện và đề nghị công khai trên hệ thống truyền thanh của địa phương để cảnh báo, ngăn chặn các cơ sở có nguy cơ vi phạm.
Trong năm, Chi cục đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai 1 đoàn thanh tra, 8 đoàn kiểm tra ATTP. Kết quả, đã thanh tra, kiểm tra được 183 đơn vị, gồm 10 huyện, thị xã, thành phố với 22 UBND xã, phường và 151 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; lấy 50 mẫu sản phẩm kiểm nghiệm chất lượng về ATTP. Chi cục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 69 triệu đồng.
Trong hoạt động chế biến và phát triển thị trường nông sản, bảo đảm ATTP, Chi cục tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, các quy trình quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho một số hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn, chứng nhận duy trì mở rộng VietGAP, VietGAHP cho 73 tổ chức, cá nhân tham gia với tổng diện tích chứng nhận, duy trì, mở rộng hơn 745,8 héc-ta, 82.950 con gia súc, gia cầm và 1.450 đàn ong, sản lượng trên 22.877 tấn rau, quả, thịt, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản an toàn ra thị trường. Hỗ trợ chứng nhận HACCP cho 2 cơ sở, duy trì HACCP cho 1 cơ sở. Chi cục phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, thiết kế bao bì, logo đăng ký bảo hộ; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho một số sản phẩm thực phẩm và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lấy 42 mẫu hậu kiểm đánh giá chất lượng sản phẩm sau thu hoạch một số sản phẩm của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn thị trường EU làm tiền đề thúc đẩy sản xuất an toàn và xuất khẩu. Cùng với đó, Chi cục tiếp tục duy trì tài khoản trên hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn. Năm 2023, hệ thống đã mở rộng thêm tính năng quản lý mã số vùng trồng, hoàn thành việc chuyển dữ liệu về Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) để quản lý và khai thác, là nguồn dữ liệu dùng chung của tỉnh. Năm 2023, trên hệ thống có 381 đơn vị tham gia với trên 900 sản phẩm tham gia hệ thống.
Đồng chí Trịnh Kim Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Năm 2024, Chi cục tiếp tục phối hợp, tham mưu, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông sản. Trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, cơ sở đủ điều kiện ATTP; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, giám sát để phát hiện, cảnh báo đối với các vi phạm không bảo đảm ATTP; khuyến khích thúc đẩy đa dạng sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục phối hợp các đơn vị xây dựng mới và phát triển mô hình sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn. Khuyến khích, hỗ trợ cơ sở sản xuất đầu tư vào vùng sản xuất, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; rà soát các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hiện có và lựa chọn để nâng cao thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục phát triển mở rộng chuỗi, đa dạng sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm gắn với chuỗi phân phối, tiêu thụ bền vững. Tăng cường công tác giám sát dư lượng trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh lưu thông trên thị trường, cung cấp cho các tỉnh, thành phố và ngược lại với sản phẩm nhập từ các tỉnh về Hưng Yên; rà soát các cơ sở có mẫu vi phạm, tiếp tục giám sát sản phẩm của các cơ sở và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện công khai kết quả giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi sản xuất nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm.
Nguồn: https://baohungyen.vn