KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 06/04/2024 - Lượt xem: 235
Bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng

Khi những cảnh báo về thẻ tín dụng chưa kịp lắng xuống, thì dư luận lại dấy lên lo ngại trước thông tin khách hàng bỗng nhiên mất nhiều tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng. Câu chuyện này tiếp tục đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo đảm an toàn tiền gửi và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng MSB.

Việc một khách hàng bỗng dưng mất 58 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) gây xôn xao và thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh-Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân Ngân hàng MSB, về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, bước đầu công an xác định bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của tám bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền lên tới 338 tỷ đồng.

MSB cũng đã có ý kiến phản hồi, theo đó khẳng định ngân hàng luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định của cơ quan quản lý và pháp luật trong hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng cho hơn 5,4 triệu khách hàng cá nhân và gần 100 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đại diện MSB, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, lãnh đạo ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.

Hiện vụ việc đã được Công an TP Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. Ngân hàng đã, đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu. Đồng thời, MSB cho biết đã thông tin phản hồi đến nhóm khách hàng có liên quan bằng văn bản, trừ các thông tin không được cung cấp cho báo chí do đang trong quá trình điều tra. “Chúng tôi sẽ tôn trọng kết luận và phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền,” lãnh đạo MSB cho biết thêm.

Như vậy, trước khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền, các khách hàng chỉ còn biết chờ đợi cùng với nỗi lo liệu có lấy lại được tài sản của mình hay không. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Trong quy trình bảo mật, việc rút tiền từ tài khoản mà không có sự chứng thực hoặc sự đồng ý rõ ràng từ phía khách hàng là một điều đáng ngờ và cần được làm rõ. Đối với khách hàng, việc bảo mật thông tin giao dịch là rất quan trọng, cho nên khách hàng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không tiết lộ thông tin giao dịch cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ, bảo đảm rằng mọi thông tin đều chính xác và hợp pháp. Mặt khác, phía ngân hàng cũng phải bảo đảm quy trình giao dịch là an toàn và được giám sát một cách nghiêm ngặt, tuân thủ từ phía nhân viên.

Ngày 3/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, thời gian vừa qua có câu chuyện tiền trong tài khoản bị mất, có những vi phạm có thể do cá nhân, do tập thể, hoặc do ngân hàng.

“Tuy nhiên, nếu nói đó là lỗ hổng mang tính chất hệ thống thì khẳng định là không”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh. Bởi lẽ, điều này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng, một số đơn vị, bộ phận cụ thể, hoặc do vi phạm của cá nhân cán bộ ngân hàng, cũng có thể do sự chủ quan, thậm chí có trường hợp thông đồng với cán bộ ngân hàng để tiêu cực, và thậm chí không chỉ lừa nhau mà còn lừa cả ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mỗi vụ việc như thế này đều được NHNN rút kinh nghiệm chung với tất cả các ngân hàng khác để có chỉ đạo kịp thời. Ở góc độ các quy chế, quy định, NHNN luôn rà soát thường xuyên. Từ lâu, các quy định liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp đã có hệ thống các văn bản quy phạm rất đầy đủ; xác định rất rõ, đầy đủ quy định trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong cung ứng các dịch vụ liên quan đến mở tài khoản, tiền gửi tiết kiệm của người dân, cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của người gửi tiền để bảo đảm an toàn.

Cụ thể, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN năm 2014 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã quy định rất rõ về các nội dung này. Sau đó, NHNN cũng thường xuyên cập nhật, bổ sung để phù hợp cũng như bảo đảm được quy định chung, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà việc sử dụng công nghệ rất tiện ích, thậm chí là giao dịch trực tuyến để có thể mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm,…

Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cũng lưu ý: Việc triển khai thực hiện các quy định đó còn xuất phát từ các quy định nội bộ, quy định riêng của các ngân hàng thương mại, do đó đây là trách nhiệm của các ngân hàng này. Cho nên, khi xảy ra những vụ việc như vừa qua, trước hết phải xem xét các ngân hàng đã thực hiện đúng các quy định của NHNN chưa, để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

Trở lại với câu chuyện của MSB, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã nhận được báo cáo của MSB. Theo đó, vụ việc này không phải khách hàng phát hiện ra, mà trên cơ sở kiểm soát hoạt động của mình, MSB đã phát hiện và chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra từ tháng 10/2023.

Quá trình điều tra hiện nay của Bộ Công an đang được tiến hành khẩn trương để xác định trách nhiệm cũng như những sai sót thuộc trách nhiệm của MSB hay của cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh, hay là của những người khác có liên quan. Nguyên tắc là những quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.

Nguồn: https://nhandan.vn

Tin liên quan