KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 23/05/2025 - Lượt xem: 24
Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được điều đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động (NLĐ).


Thanh tra Sở Nội vụ thanh tra về thực hiện pháp luật lao động tại Công ty Công ty cổ phần Tập đoàn gỗ Minh Long (Văn Giang) Ảnh minh họa

   Công ty cổ phần Tập đoàn gỗ Minh Long (Văn Giang) là doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ công nghiệp, có 114 lao động với sản lượng khoảng khoảng 2 triệu tấm gỗ công nghiệp các loại. Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, công ty rất chú trọng bảo đảm AT,VSLĐ trong nhà máy. Hằng năm, công ty đều xây dựng phương án bảo đảm an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ; tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về AT,VSLĐ đối với NLĐ; trang cấp bảo hộ lao động cho công nhân phù hợp với từng vị trí việc làm và trong quá trình làm việc, mọi người đều thực hiện nghiêm các quy định về AT,VSLĐ, bởi vậy, quá trình sản xuất luôn đảm bảo an toàn và không xảy ra TNLĐ lớn.


Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Raidon (Yên Mỹ) trao đổi với giáo viên tại lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do Sở Nội vụ tổ chức

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập với khoảng 70% số doanh nghiệp đăng ký có hoạt động; 9 khu công nghiệp với trên 450 dự án đầu tư tại các khu công nghiệp đã hoạt động với số lao động đang làm việc khoảng 80 nghìn người. Hầu hết doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định về AT,VSLĐ như: Trang cấp đầy đủ thiết bị, bảo hộ lao động theo ngành nghề, vị trí việc làm; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị máy móc; phối hợp tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về AT,VSLĐ cho NLĐ; khai báo sử dụng máy và thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các chế độ chăm lo, bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân...

Tuy nhiên, năm 2024, qua báo cáo của 281 doanh nghiệp, cơ quan chức năng của tỉnh ghi nhận 89 vụ TNLĐ, làm 90 người thương vong, trong đó có 11 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 12 người. Còn theo số liệu tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (thị xã Mỹ Hào), năm 2024, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị 174 trường hợp TNLĐ và 4 tháng đầu năm 2025, số bệnh nhân vào cấp cứu, điều trị do TNLĐ là 70 người. Số ca TNLĐ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối chủ yếu là tổn thương ngón chân, ngón tay, dập bàn tay; có cả trường hợp tai nạn nặng như mất chân, tay, chấn thương sọ não…

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ là do người lao động chưa được huấn luyện nghiêm túc về quy định, quy trình sản xuất an toàn; chủ quan không sử dụng hoặc sử dụng không đúng bảo hộ lao động; ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa tốt và một số trường hợp xảy ra tai nạn trong quá trình tham gia giao thông trên đường đi thực hiện nhiệm vụ do doanh nghiệp giao. Và không loại trừ nguyên nhân do phía chủ doanh nghiệp bố trí quy trình sản xuất chưa hợp lý; không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; nơi làm việc không có hoặc ít có các biển cảnh báo nguy hiểm; nơi làm việc thiếu ánh sáng… 

Thực tế, khi TNLĐ xảy ra, không riêng người bị tai nạn phải chịu hậu quả, mà còn kéo theo những tác động về tâm lý, đời sống kinh tế của các thành viên trong gia đình người bị nạn và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất. Do vậy, các chuyên gia về ATLĐ khuyến cáo, trong quá trình sản xuất, NLĐ cần tuyệt đối tuân thủ các quy định như: Mặc bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng, đeo kính, đội mũ; trước và trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất cần kiểm tra kỹ máy móc, thiết bị, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn; không lơ là, chủ quan khi làm việc. Khi phát hiện người bị TNLĐ, mỗi người cần bình tĩnh, sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế tối đa tổn thương. 


Nhiều năm qua, Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (Văn Lâm) luôn bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất

Nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, NLĐ về bảo đảm AT,VSLĐ nơi làm việc và giảm thiểu TNLĐ, giữa tháng 4/2025, Sở Nội vụ tổ chức huấn luyện AT,VSLĐ cho trên 130 học viên là công nhân làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT,VSLĐ của gần 70 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 5, Sở Nội vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về AT,VSLĐ; phối hợp các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra công tác bảo đảm AT,VSLĐ, chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp...

Chủ đề Tháng hành động về AT,VSLĐ năm 2025 là “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm AT,VSLĐ tại nơi làm việc". 

Để ngăn ngừa TNLĐ, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình AT,VSLĐ; tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ theo quy định. Bên cạnh đó, mỗi NLĐ cần tích cực, chủ động thực hiện nghiêm các quy định về AT,VSLĐ. 

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan