KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 23/11/2023 - Lượt xem: 1968
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Là tỉnh có truyền thống văn hiến lâu đời, tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đặc sắc, những yếu tố góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh được các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Du khách tham quan làng nghề đan đó Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 8/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 13-NQ/TU). Nghị quyết đặt ra mục tiêu: “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống lịch sử, con người Hưng Yên hiện đại, vì sự phát triển bền vững; quan tâm đầu tư các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, làm phong phú kho tàng di sản văn hóa, lịch sử dân tộc. Xây dựng Hưng Yên trở thành một trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước - một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành 11 văn bản; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 44 chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện. UBND cấp huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra thực trạng các di tích bị xuống cấp để có các biện pháp khắc phục kịp thời; ưu tiên các di tích xuống cấp đưa vào Đề án “Tu bổ, chống xuống cấp di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025”. Từ tháng 10/2021 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư tu bổ, chống xuống cấp cho 41 di tích xếp hạng cấp quốc gia với tổng kinh phí gần 222 tỷ đồng; 37 di tích xếp hạng cấp tỉnh với kinh phí đầu tư tu bổ gần 150 tỷ đồng và 25 di tích khác với kinh phí trên 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2023, tỉnh đã bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư 13 dự án tu bổ, tôn tạo di tích, với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng; 6 dự án do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 78 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh có thêm 2 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; 3 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 3 di tích xếp hạng quốc gia, 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Việc khôi phục đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch đang được tích cực triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo số 1164-TB/TU ngày 12/6/2023 về việc tiếp nhận tài trợ kinh phí nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch dự án Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ tại thành phố Hưng Yên. Hoạt động truyền dạy, phổ biến, trình diễn các loại di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, trống quân, hát văn được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã góp phần tôn tạo và gìn giữ bản sắc riêng của du lịch Hưng Yên trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Các di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách tham quan. Tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công các lễ hội, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm quảng bá văn hóa, con người, sản vật của Hưng Yên đến với khách hàng trong và ngoài nước; tổ chức nhiều hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay, Hưng Yên có 4 điểm được công nhận là điểm du lịch gồm: Điểm du lịch đền Phù Ủng (Ân Thi); điểm du lịch đền Dạ Trạch (Khoái Châu); điểm du lịch đền An Xá (Tiên Lữ) và điểm du lịch Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (Văn Giang). Để khai thác nguồn lực du lịch dọc tuyến sông Hồng, ngày 6/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 368/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng, với tổng mức đầu tư khoảng 9.275 tỷ đồng.
Lễ hội đền An Xá, xã An Viên (Tiên Lữ) mới được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tiếp tục tập trung phối hợp với các ngành, địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các dự án: Phục dựng đô thị cổ Phố Hiến; mở rộng khuôn viên Văn miếu Xích Đằng, đền Mẫu, đền Trần (thành phố Hưng Yên); mở rộng Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Yên Mỹ); cải tạo Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh và lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch (Khoái Châu); lập dự án bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá (Tiên Lữ); phục hồi di tích chùa Hương Lãng (Văn Lâm); từng bước đầu tư và nâng cấp hạ tầng du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ và số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan