Toàn tỉnh hiện nay có trên 1 nghìn vị trí đặt trạm thông tin di động (trạm BTS) và hàng nghìn km đường dây cáp quang viễn thông bảo đảm phủ sóng thông tin di động, internet đến 100% số thôn, khu phố của tỉnh. Hằng năm, hệ thống hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của hàng chục vụ dông, sét, mưa lớn gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Các thiệt hại có thể xảy ra như: Dông sét làm gãy, đổ cột anten; cây đổ làm đứt cáp quang viễn thông; sét đánh gây chập cháy tại khu vực nhà trạm, trên đường dây truyền dẫn… từ đó làm gián đoạn, mất thông tin liên lạc, chất lượng thông tin liên lạc không ổn định… ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng.
Nhân viên Viettel Hưng Yên kiểm tra chất lượng mạng thông tin cung cấp cho khách hàng
tại huyện Văn Lâm
Để bảo vệ hạ tầng viễn thông, năm 2023, Viettel Hưng Yên xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng đơn vị thành viên phụ trách, đồng thời xây dựng tình huống ứng phó với từng mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với hạ tầng viễn thông. Những năm gần đây, tình trạng dông, sét có tần suất xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Hằng năm, Viettel Hưng Yên đều ghi nhận các vụ sét đánh làm ảnh hưởng đến hạ tầng viễn thông, làm gián đoạn tạm thời thông tin liên lạc. Do vậy, để giảm thiểu những tác động tiêu cực của yếu tố thời tiết cực đoan, năm 2023, Viettel Hưng Yên thực hiện lắp đặt thêm thiết bị chống sét tại 50 vị trí đặt trạm BTS, củng cố hạ tầng mạng lưới truyền dẫn tại 150 vị trí đặt trạm BTS, củng cố (căng, gom bó, thay mới…) gần 200 tuyến truyền dẫn cáp quang. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên kiểm tra, củng cố nhỏ 100% hệ thống truyền dẫn cáp quang nhằm bảo đảm chất lượng thông tin liên lạc của khách hàng và chuẩn bị sẵn sàng các máy móc, thiết bị dự phòng để triển khai khắc phục sự cố khi có tình huống xảy ra. Bước vào mùa mưa bão, các máy phát điện dự phòng, xe chuyên chở thiết bị và lực lượng chiến thuật thường trực luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường đến những vị trí được yêu cầu để có thể sớm nhất khắc phục sự cố, hạn chế thấp nhất tình trạng mất, gián đoạn thông tin liên lạc. Đồng chí Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Chi nhánh kỹ thuật Viettel Hưng Yên cho biết: Chúng tôi thường xuyên thực hiện kiểm tra, củng cố nhỏ đối với hệ thống mạng truyền dẫn viễn thông nhằm phát hiện và xử lý kịp thời với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế gián đoạn, mất thông tin liên lạc do ảnh hưởng của mạng truyền dẫn. Đơn vị có 120 cán bộ, nhân viên, người lao động được phân chia theo từng tổ, đội đảm nhận những nhiệm vụ, địa bàn cụ thể. Trước mùa mưa bão, đơn vị phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia huấn luyện về nghiệp vụ; phòng, chống thiên tai; ứng phó sự cố viễn thông…
Tại Viễn thông Hưng Yên những ngày này, lực lượng công nhân viên phụ trách các tuyến truyền dẫn cũng thường xuyên có mặt tại các vị trí được phân công để kiểm tra tủ phối quang ngoài trời, hệ thống mạng cáp quang truyền dẫn. Những đoạn cáp quang bị chùng hoặc có nguy cơ bị đứt được thống kê, báo cáo để thực hiện căng chỉnh hoặc thay mới nhằm bảo đảm chất lượng truyền dẫn thông tin. Tại các khu vực nhà trạm, các loại máy móc, thiết bị dự phòng được chuẩn bị sẵn sàng theo từng tình huống thiên tai. Ngoài ra, Viễn thông Hưng Yên thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, gia cố các cột BTS, nguồn điện, hệ thống bảo an, hệ thống chống sét, các đường cột treo cáp, tổ chức các đội xung kích thường trực tại các trạm BTS, nhất là các trạm ở khu vực trọng điểm để theo dõi, duy trì hoạt động của trạm. Khi có sự cố bất thường xảy ra làm mất thông tin, bộ phận thường trực tại các trạm BTS phải tìm mọi cách khắc phục sự cố và báo ngay về ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Năm 2023, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, để bảo vệ hạ tầng viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, trong đó yêu cầu các đơn vị viễn thông chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh và tổ chức ứng cứu, khắc phục sự cố kịp thời.
Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, lên phương án, kịch bản ứng phó với thiên tai, mưa lũ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp tích cực phối hợp với ngành điện cũng như chủ động thực hiện gia cố hệ thống mạng cáp quang truyền dẫn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra cho hạ tầng viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh.
Nguồn: https://baohungyen.vn