KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 14/11/2023 - Lượt xem: 911
Bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua địa bàn tỉnh có chiều dài 34,5 km, qua 5 huyện, thị xã, là hệ thống thủy lợi quan trọng, cung cấp nước cho khoảng 38.000 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, 12.000 héc-ta nuôi thủy sản và cung cấp nguồn nước cấp sinh hoạt cho khoảng 500 nghìn người dân trong tỉnh. Tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc nước trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải
Theo đánh giá của ngành chức năng, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm chủ yếu do nước thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, y tế, chăn nuôi và dân sinh. Trong tỉnh có hơn 600 điểm xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với lưu lượng xả thải từ 5 mét khối/ngày đêm trở lên với tổng lưu lượng khoảng 170.598 mét khối/ngày đêm. Ngoài ra, tại đầu nguồn hệ thống Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, sinh hoạt dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua thành phố Hà Nội qua cống Xuân Thụy và sông Kiên Thành với lưu lượng phát sinh ước khoảng 155.520 mét khối/ngày đêm, đây được đánh giá là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện nay.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước mặt của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các sông nhánh (sông Như Quỳnh, Bần Vũ Xá, Cầu Lường và kênh Trần Thành Ngọ) từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023) do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã tiến hành 10 đợt lấy mẫu với tổng số 250 mẫu, có 150/250 mẫu vượt và có 760/3.250 thông số vượt quy chuẩn, như: TSS vượt từ 1,01-39,04 lần; COD vượt từ 1,006-1,64 lần; BOD5 vượt từ 1,01-1,91 lần; NH4+ vượt từ 1,02-4,22 lần; PO43- vượt từ 1,03- 19,7 lần; NO2- vượt từ 1,02- 14,34 lần; Mn vượt từ 1,03-3,14 lần; Coliform vượt từ 1,0- 2,27 lần… so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột B1).
Để bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, từ năm 2017 đến nay, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thực hiện định kỳ việc lấy mẫu giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn trên địa bàn tỉnh. Sở tham mưu UBND tỉnh quy định các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải trên 100 mét khối/ngày đêm phải lắp đặt, hệ thống quan trắc tự động, đến nay đã có 18  cơ sở lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu về sở để kiểm tra, giám sát.
Việc xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất trong tỉnh được đặc biệt quan tâm những năm gần đây. Các khu đô thị mới xây dựng trong tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải. Ví dụ như Khu đô thị Dream City (Văn Giang) đã đầu tư xây dựng xong 2 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất 32.400 mét khối/ngày đêm từ tháng 8/2023. Khu đô thị Ecopark (Văn Giang) xây dựng 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất là 29.300 mét khối/ngày đêm để bảo đảm thu gom và xử lý 100% nước thải sinh hoạt, không làm thất thoát gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời đã xây dựng, vận hành 4 công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở các khu dân cư với tổng công suất 7.690 mét khối/ngày đêm tại các huyện: Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên.
Bên cạnh đó, tỉnh từ chối tiếp nhận dự án có nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải (sơn, mạ, giặt mài, thuộc da, tái chế kim loại…). Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã từ chối 18 dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2010, tỉnh quy định các dự án đầu tư vào địa bàn phải thực hiện xử lý nước thải đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; cam kết thực hiện xử lý nước thải sản xuất, sinh hoạt đạt Quy chuẩn kỹ thuật của tỉnh về môi trường với yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý cao hơn so với cột A. Có 6/7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định. Bà Lê Thuý Hằng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Thái Hằng (Yên Mỹ) cho biết: Sản xuất trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm nên ngay từ khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, tôi đã chú trọng khâu thu gom và xử lý triệt để nước thải, chất thải. 100% nước thải trong quá trình sản xuất của công ty được thu gom, sau khi xử lý đạt các tiêu chuẩn về môi trường trước khi thải vào hệ thống nước thải chung.
Bên cạnh công tác phòng ngừa ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 318 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 16,976 tỷ đồng. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất và hoạt động xả thải có thời hạn từ 3 đến 8 tháng đối với 9 cơ sở.
Để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, tỉnh đang duy trì vận hành 6 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên các sông, tổ chức theo dõi, phân tích, đánh giá dữ liệu quan trắc tự động để theo dõi diễn biến chất lượng nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường phối hợp và thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Bắc Hưng Hải và các sông nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiến nghị UBND tỉnh từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Làm tốt việc quan trắc chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…
Cùng với đó, tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền thành lập Tiểu ban Bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để chủ động phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải; hỗ trợ tỉnh xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề; đầu tư hệ thống quan trắc nước tự động, liên tục trên hệ thống sông.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan