Ngày Quyền của Người tiêu dùng năm 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ...
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 có chủ đề: “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn.” (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Sáng 15/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 (ngày 15/3). Đây là sự kiện quan trọng, diễn ra cùng với thời điểm Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng vừa được Quốc hội ban hành và chuẩn bị có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07 tới đây.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước. Nhận thức được giá trị cốt lõi này, trong suốt giai đoạn từ năm 1999 tới nay, Quốc hội và Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, đặc biệt là đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Ngay sau đó, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã không ngừng được hoàn thiện, bổ sung để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào thực tiễn. Tuy vậy, đặt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế và đặc biệt là thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn ngày càng tinh vi và mở rộng với nhiều hình thức mới thì những kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu.
Trước yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế, sản xuất và xu hướng tiêu dùng, cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật là kết tinh của quá trình hơn 2 năm chuẩn bị, xây dựng và hoàn thiện; với sự tham gia chủ động, tích cực của Cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương; Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Cùng với đó, là quá trình tham gia ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, trong đó có rất nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của các vị đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Thông qua Lễ phát động hôm nay, tôi kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương trên cả nước, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy cùng nhau thực hiện những hành động thiết thực để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cùng nhau hướng đến xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh, một nền kinh tế cạnh tranh minh bạch và hiệu quả,” ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Năm 2024, ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam có chủ đề: “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ...
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhằm góp phần thực thi đầy đủ các quyền của người dân. Do vậy, căn cứ kết quả thực hiện Quyết định số 1035 của Thủ tướng Chính phủ, tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Quốc hội tiếp tục khẳng định lấy ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước mà còn tạo cơ sở pháp lý để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc cần tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, ông Tạ Đình Thi đề nghị cần xác định rõ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị.
Bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ, các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định. Đặc biệt, trong quá trình thực thi Luật, tất cả các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội yêu cầu các cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phân công, lưu ý nghiên cứu việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về Luật.
Để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, ông Tạ Đình Thi đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết không phát sinh chồng chéo, vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, gây gánh nặng bất hợp lý cho doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024; trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm… Các hoạt động hưởng ứng được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài hết năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Các đại biểu tham gia tọa đàm về Luật bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tại Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai như Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; tuyên truyền phổ biến; phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tại địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn