Hiện thế giới có khoảng 3,1 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh COPD hiện xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Thế nhưng nhiều người dân lại không biết được sự nguy hiểm của căn bệnh này.
COPD là một bệnh lý hô hấp khiến người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong. COPD là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại.
Một số người mắc COPD sớm có thể không nhận biết được các triệu chứng của bệnh. Những người có nguy cơ mắc COPD nên được làm các xét nghiệm. Bác sĩ có thể yêu cầu thử nghiệm kiểm tra hơi thở (kiểm tra chức năng phổi) được gọi là hô hấp ký. Chẩn đoán COPD dựa trên sự kết hợp của các triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Những thay đổi của COPD cũng có thể được nhìn thấy trên Xquang ngực hoặc CT scan ngực. Ngoài ra, bệnh nhân COPD còn có thể được làm những nghiệm pháp thăm dò chức năng hô hấp nâng cao như phế thân ký, đo độ khuyến tán CO qua màng phế nang mao mạch.
Một số yếu tố nguy cơ chính gây COPD là do tiếp xúc lâu dài với chất kích thích trong không khí. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động) gây ra 3/4 trường hợp mắc bệnh; khói bụi, bụi than đá và bụi silic; ô nhiễm không khí trong nhà từ sưởi ấm và nấu ăn bằng khói sinh học trong môi trường thông khí kém; ô nhiễm không khí môi trường bên ngoài; nhiễm trùng... cũng có thể là nguy cơ gây bệnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn