KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 27/03/2024 - Lượt xem: 1043
Bệnh viện Phổi Hưng Yên: Chủ động phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh lao

Theo Bộ Y tế, để chấm dứt bệnh lao, vấn đề quan trọng và cốt lõi hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn.

Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng, chống lao tại Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 tại tỉnh, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên tăng cường sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn, chủ động phòng và điều trị bệnh lao, lao HIV, bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao ở trẻ em. Việc phát hiện bệnh chủ động nhằm tăng tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao, phát hiện sớm và đưa vào điều trị để khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao cho người dân.
Bệnh viện Phổi Hưng Yên tổ chức khám sàng lọc lao tại Cơ sở điều trị nghiện ma tuý
Theo các chuyên gia y tế, nếu bệnh sớm được phát hiện, được điều trị kịp thời thì trên 90% số người mắc bệnh lao thường sẽ khỏi bệnh, trên 75% số người mắc lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống bệnh lao, ngăn ngừa lây truyền lao trong cộng đồng là bệnh lao cần phải được phát hiện sớm, điều trị sớm, từ đó chấm dứt nguồn lây. Bệnh viện Phổi Hưng Yên tích cực thực hiện chiến lược 2X (X-quang và Xpert) là một chiến lược chủ động của Việt Nam để tiếp cận với người nghi nhiễm lao, khám sàng lọc chủ động bệnh lao tại cộng đồng đối với người có yếu tố nguy cơ mắc lao nhằm tăng cường phát hiện bệnh nhân lao tiềm ẩn và các bệnh nhân lao khác.
Bệnh nhân lao gồm các thể: Lao thường, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn. Người mắc lao tiềm ẩn đã nhiễm vi trùng lao nhưng chưa hoạt động, cho kết quả đã nhiễm lao khi được  thử mantoux (là test da dùng để phát hiện một người đã từng bị nhiễm vi trùng lao). Các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao mắc lao tiềm ẩn gồm: Người tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân lao, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh tiểu đường, người mắc ung thư điều trị dài ngày, trẻ em. Từ lao tiềm ẩn nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ chuyển thành bệnh lao.
Năm 2023, Bệnh viện Phổi Hưng Yên triển khai khám sàng lọc tại cộng đồng. Theo đó, toàn tỉnh có trên 18 nghìn người được chụp X-quang và xét nghiệm mantoux, trong đó 4.142 người có nghi ngờ mắc lao được làm xét nghiệm GeneXpert. Trong quá trình sàng lọc, người dân được khám, chụp X-quang phổi phát hiện lao; lấy mẫu xét nghiệm GeneXpert; thử phản ứng mantoux; thu thập, phân tích số liệu và hội chẩn để đưa ra kết luận có phương án điều trị phù hợp cho người dân. Bên cạnh việc khám sàng lọc, các y, bác sĩ tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng, chống lao tại cộng đồng. Bệnh viện đã thu nhận vào điều trị 715 bệnh nhân; phát hiện được 377 bệnh nhân lao phổi AFB(+), là nguồn lây cơ bản trong cộng đồng. Tỉ lệ điều trị thành công 97,19%; tỉ lệ điều trị thành công tổng số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học đạt 97,78%. Triển khai các hoạt động của chương trình lao kháng thuốc, 986 bệnh nhân nghi lao kháng thuốc được làm xét nghiệm GeneXpert, phát hiện 234 bệnh nhân (+) không kháng Rifampicin. Tổng số bệnh nhân kháng thuốc là 38 bệnh nhân và thu nhận vào điều trị 34 bệnh nhân. Đồng thời, khám sàng lọc được 252 trẻ em tiếp xúc với bệnh nhân lao, số trẻ đủ tiêu chuẩn dự phòng là 246 trẻ, trong đó tư vấn đưa vào điều trị dự phòng 49 trẻ, 5 trẻ được điều trị lao. Xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao đạt tỉ lệ 96,78% trước khi điều trị, trong đó có 5 bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV đã được điều trị ARV.
Theo bác sĩ Phan Thanh Lam, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phổi Hưng Yên), để điều trị lao thành công, bệnh nhân phải dùng thuốc đúng liều, đúng giờ, đủ thời gian điều trị, uống vào lúc đói, vào giờ cố định. Đối với người đã điều trị thành công cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao nâng cao thể trạng, chế độ lao động hợp lý.
Khi bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được điều trị lao sau 2 tháng đầu phát hiện mà bệnh nhân chưa âm hóa lần 1 thì khả năng lây nhiễm cao nếu không thực hiện các biện pháp phòng, tránh. Để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh và để khỏi bệnh, người mắc bệnh lao phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Theo đó, bệnh nhân không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hằng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh. Nếu lao tiềm ẩn được điều trị dự phòng, cơ hội không bị bệnh lao trong đời đến 90%. Do vậy, cách phòng bệnh lao hiệu quả nhất là phát hiện sớm, điều trị kịp thời chấm dứt nguồn lây. Người có yếu tố nguy cơ là người ho khạc sống chung với người bệnh lao, người mắc bệnh tiểu đường, người nhiễm HIV, người già trên 65 tuổi, người ho kéo dài, sụt cân, trẻ em.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan