KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 26/09/2023 - Lượt xem: 858
Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên: Khắc phục khó khăn thiếu thuốc đông y

Nằm trong tình trạng khó khăn chung của cả nước và các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, từ tháng 6/2022, Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên đã hết các vị thuốc cổ truyền dẫn đến không có thuốc đông y sử dụng trong điều trị cho người bệnh. Đến nay, đã qua 2 lần đấu thầu tập trung do Sở Y tế tổ chức, song vẫn không có nhà thầu tham gia gói thầu vị thuốc cổ truyền. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quá trình, chất lượng điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh. Khó khăn này đang dần được khắc phục.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên
Từ hơn 1 năm nay, bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên không được sử dụng thuốc đông y do bệnh viện đã hết thuốc. Phần lớn người đến khám, điều trị tại đây là bệnh nhân cao tuổi với các diện bệnh mạn tính, di chứng do đột quỵ, các bệnh lý rối loạn cơ năng, cơ xương khớp, thần kinh... Những năm gần đây, nhiều bệnh nhân nhi bị bại não, chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, bàn chân bẹt… cũng vào điều trị tại bệnh viện.
Theo dược sĩ CKI Trần Thị Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên, đã hơn 1 năm nay, thuốc y học cổ truyền của bệnh viện rơi vào tình trạng trống kho. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện điều trị nội trú từ 220 đến 250 bệnh nhân (đặc biệt từ khi thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT thì bệnh nhân tăng cao hơn). Bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền là vì mong muốn được điều trị và sử dụng thuốc đông y. Trong số bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện, có 90 đến 95% số bệnh nhân có sử dụng thuốc sắc. Trung bình 1 năm bệnh viện sử dụng 50 nghìn thang thuốc. Nhưng vì hết thuốc đông y nên nhiều bệnh nhân phải điều trị bằng chế phẩm từ thuốc y học cổ truyền hoặc phương pháp thay thế khác. Tuy nhiên, hiệu quả không cao như việc dùng đúng bài thuốc đông y.
Bác sĩ CKII Phạm Hồng Nam, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc thiếu thuốc y học cổ truyền xuất phát từ quy định trong Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. Theo quy định, các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm sử dụng vị thuốc y học cổ truyền đã được cấp số đăng ký. Tuy nhiên, số vị thuốc đã được cấp số đăng ký rất ít so với tổng số vị thuốc cần sử dụng trong nhiều bài thuốc. Thông tư số 38 của Bộ Y tế ra đời khiến việc đấu thầu, cung ứng thuốc y học cổ truyền gặp nhiều khó khăn, do đó, để bảo đảm kết quả, chất lượng điều trị cho bệnh nhân, các vướng mắc nói trên rất cần được giải quyết sớm. Thực tế, đã qua 2 đợt đấu thầu tập trung của Sở Y tế trong 2 năm 2022 và 2023, nhưng gói thầu vị thuốc cổ truyền không có nhà thầu tham gia. Do vậy, tình trạng hết thuốc đông y tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên kéo dài đến nay.
Để tháo gỡ khó khăn thiếu thuốc đông y, ngày 15/8/2023, UBND tỉnh có công văn số 2207/UBND-KGVX về việc cơ chế mua sắm thuốc, dược liệu của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2024. Trong đó, giao Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng danh mục dược liệu đấu thầu tập trung cho các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt sau khi có văn bản thẩm định của Sở Y tế; tổ chức đấu thầu tập trung dược liệu thuộc danh mục theo quy định.
Dược sĩ CKI Trần Thị Vân bày tỏ, đây cũng là mong muốn của bệnh viện để bệnh viện tự bào chế, chế biến, sản xuất thuốc đông y phục vụ công tác điều trị tại bệnh viện. Tùy diện bệnh, phác đồ điều trị, cách bào chế, chế biến từng vị thuốc có sự khác nhau để tăng hiệu quả điều trị. Trong khi đó, đấu thầu tập trung chỉ có vị thuốc chung. Hiện nay, Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên đã xây dựng xong danh mục gồm 138 vị và tiếp tục làm các bước tiếp theo trong quy trình  đấu thầu mua sắm dược liệu.
Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên là cơ sở có đủ điều kiện từ nhân lực, cơ sở vật chất đến công bố tiêu chuẩn để đáp ứng được khâu bào chế, sản xuất thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Từ kinh nghiệm tự bào chế, chế biến, sản xuất thuốc, bệnh viện sở hữu gần 20 bài thuốc, gồm các bài thuốc cổ phương và bài thuốc theo đề tài nghiên cứu khoa học.
Sau khi có kết quả đấu thầu, dược liệu được nhập để bào chế, chế biến thành vị thuốc. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đấu thầu tập trung các vị thuốc cổ truyền cho các bệnh viện khác, trung tâm y tế cấp huyện. Khi quyết toán, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ so sánh giá vị thuốc đấu thầu tập trung của Sở Y tế với vị thuốc do bệnh viện bào chế, chế biến và không thanh toán số tiền chênh so với giá trúng thầu của Sở Y tế (nếu có). Về vấn đề này, dược sĩ CKI Trần Thị Vân đề nghị được BHXH tỉnh thanh toán phần kinh phí chênh lên giữa giá đấu thầu tập trung của Sở Y tế và giá thuốc sau khi đã bào chế nếu có bởi quá trình bào chế, chế biến dược liệu thành vị thuốc được bệnh viện thực hiện đúng phương pháp, tỉ lệ hư hao, bảo đảm chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan