KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 04/04/2024 - Lượt xem: 471
“Bí quyết” giúp các bậc cao niên thêm nhiều hạnh phúc

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có hơn 860 người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên. Trong đó, nhiều cụ già vẫn khỏe mạnh, hằng ngày sinh hoạt, trò chuyện vui vẻ cùng con cháu. Với các cụ, niềm vui lớn nhất là được chứng kiến sự trưởng thành của con cháu trong gia đình, sự đổi thay, phát triển của quê hương. Nhiều cụ cho biết, mình sống mạnh khỏe đến tuổi bách niên một phần là nhờ ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, một phần bởi bản thân luôn biết cách tìm niềm vui, lạc quan trong cuộc sống. Đặc biệt, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh quan tâm đến đời sống của các cụ cao niên qua các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà; chi trả đúng lịch tiền trợ cấp hằng tháng…

Cụ Vũ Thị Phương (sinh năm 1916) ở thôn Tử Lý, xã Đông Ninh (Khoái Châu) vui vầy bên các con
Ngôi nhà cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian nằm ở thôn Dung, xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) từ nhiều năm nay là nơi sinh sống của cụ Nguyễn Văn Na (sinh năm 1922). Cụ Na không chỉ khiến mọi người kính phục bởi tuổi cao mà còn là đảng viên gương mẫu ở địa phương. Cụ Na kể, trước kia, quê hương từng đói khổ do bị quân xâm lược tàn phá. Lúc đó, cụ cùng rất nhiều thanh niên địa phương hăng hái tham gia dân quân du kích đánh Tây. Năm 1947, cụ được kết nạp Đảng rồi tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, đến năm 1979 cụ nghỉ hưu.
Hiện nay, khi đã 102 tuổi, 77 năm tuổi Đảng, cụ Na là một trong những người có tuổi đảng cao nhất ở xã Hưng Đạo. Dù tuổi cao nhưng cụ vẫn minh mẫn, tự đi lại, chăm sóc bản thân. Cụ cho biết, sống thọ là nhờ ăn uống điều độ, vui vẻ, lạc quan. Cụ có 8 người con, trong đó có 3 người con tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; 17 cháu, 9 chắt. Các con, cháu của cụ đều trưởng thành và có việc làm ổn định. Cụ là “cây cao, bóng cả” trong đại gia đình. Mỗi dịp lễ, Tết, con cháu lại tụ tập đông đủ về thăm, cụ kể cho con cháu nghe những câu chuyện thời trẻ đi tham gia du kích và dạy bảo con cháu điều hay, lẽ phải trong cuộc sống.
Cụ Na chia sẻ, cụ thường xuyên xem lại những hình ảnh gia đình chụp từ nhiều năm qua để ôn lại kỷ niệm, qua đó để nhớ lại những ký ức đã qua. Ở độ tuổi này, không gì hạnh phúc bằng việc thấy con cháu ngoan ngoãn, lễ phép, hòa thuận, yêu thương lẫn nhau. Trong các cuộc họp mặt của gia đình, tôi đều cố gắng tham gia như thêm một “sợi dây” để gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Có lẽ, sau mỗi lần họp mặt tôi cảm thấy dường như mình vui hơn, khoẻ hơn.
Không gậy chống, không xe lăn, không cần người dìu bước, mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Phương (sinh năm 1916), ở thôn Tử Lý, xã Đông Ninh (Khoái Châu) gây ấn tượng mạnh với chúng tôi bởi hình ảnh một cụ bà khỏe mạnh. Ở tuổi 108, tai không còn nghe rõ như trước, nhưng cụ vẫn luôn nhớ về 2 người con trai đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi còn trẻ, cụ Phương tích cực tham gia đội du kích Hoàng Ngân ở địa phương. Cụ có 7 người con, trong đó 2 người con trai lớn đi bộ đội và hy sinh. Cụ có 14 cháu nội, ngoại và 14 chắt. Giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày cụ đều duy trì thói quen ăn uống đúng bữa và tập thể dục nhẹ nhàng. Thói quen này được cụ duy trì đã nhiều năm để có cơ thể khỏe mạnh. Hiện giờ cụ sống cùng với người con trai thứ ba. Cụ thường xuyên giáo dục con cái biết nhường nhịn, sẻ chia. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng trong căn nhà nhỏ luôn ấm áp niềm vui, tiếng cười. Có lẽ vì con cháu hiếu thảo, tinh thần thoải mái nên cụ có sức khỏe mà ít người cao tuổi nào có được.
Cụ Phương cho biết: Những năm 50-60 của thế kỷ trước, đời sống người dân ở khu vực nông thôn cực kỳ khó khăn, nhất là nơi thường có tiếng súng nổ. Hồi đó chẳng ai nghĩ đến chuyện trường thọ. Tôi không có bí quyết gì để sống trường thọ, nhưng nhờ tình cảm ấm áp của con cháu dành cho tôi vào tuổi xế chiều đã khiến tôi luôn vui vẻ, sống được đến độ tuổi này.
Khi nhắc đến tuổi già, nhiều người nghĩ đến hình ảnh những người già với sức khỏe thể chất, tinh thần suy giảm, nhưng với các cụ cao niên như cụ Na, cụ Phương thì ngược lại. Chính sự vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc là “bí quyết” giúp các cụ đẩy lùi các bệnh tuổi già, tăng chất lượng cuộc sống, tuổi xế chiều thêm ý nghĩa.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan