Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện Kim Ðộng dần chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Qua các năm, huyện luôn được đánh giá là địa phương có nhiều cải thiện trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2024, huyện Kim Ðộng là địa phương xếp thứ 2 toàn tỉnh về chỉ số DDCI (bộ chỉ số để đánh giá năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh do-anh của các ban, ngành, chính quyền cấp huyện), tăng 2 bậc (2,6 điểm) so với năm trước; 8/11 chỉ số thành phần của huyện đạt điểm tối đa như: Tính minh bạch và tiếp cận thị trường; Tính năng động của cấp huyện; Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức... Có được kết quả đó là do huyện luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của các cấp chính quyền trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi đầu tư và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), giải phóng mặt bằng, đào tạo và cung ứng nhân lực... Năm 2024, trên địa bàn huyện cơ bản không còn tình trạng hồ sơ TTHC quá hạn; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến cấp huyện đạt 93,9% và cấp xã đạt 94,2%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tăng lên rõ rệt. Ông Ðào Văn Nguyện, Chủ nhiệm HTX Ðức Thịnh (xã Hùng An) bộc bạch: Cán bộ của huyện, xã đã trực tiếp về HTX khảo sát, tư vấn cho chúng tôi về cơ chế, chính sách, cách làm để phát triển bền vững. Hiện tại, HTX phối hợp với đơn vị thu mua nông sản thử nghiệm trồng khoảng 3 mẫu gừng dược liệu. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới, hiệu quả cho HTX trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Huyện Kim Ðộng ngày càng thu hút nhiều dự án công nghiệp nhờ môi trường đầu tư thông thoáng
Ngay sau khi công bố kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC và Chỉ số DDCI, đầu năm 2024, cả hệ thống chính trị huyện Yên Mỹ đã vào cuộc với quyết tâm cao cải thiện chỉ số. Theo đó, UBND huyện cùng với các phòng, ban tiến hành đánh giá nguyên nhân của những hạn chế và bàn giải pháp tháo gỡ đối với những tiêu chí ở thứ hạng thấp và tiêu chí bị trừ điểm trong bộ chỉ số DDCI; giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khắc phục triệt để những yếu kém, đặc biệt là những tiêu chí liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, huyện đã chủ động số hóa, niêm yết công khai các bộ TTHC, quy trình giải quyết TTHC bảo đảm minh bạch; bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm cao để hướng dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc nên rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC, tăng dần tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn và hạn chế tối đa hồ sơ TTHC phải trả lại, từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp... Năm 2024, chỉ số DDCI của huyện Yên Mỹ xếp thứ 4, tăng 2 bậc so với năm trước và là địa phương có biên độ tăng điểm cao nhất tỉnh với 8,93 điểm.
DDCI là bộ chỉ số để đánh giá năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương. Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh như: Giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; giúp doanh nghiệp, HTX tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật thông qua các hoạt động khuyến công; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp nông thôn thông qua các hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử... Cảm nhận rõ sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, ông Ðỗ Chí Hóa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Khoái Châu cho biết: Các doanh nghiệp hội viên đánh giá cao năng lực điều hành kinh tế và sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của UBND cấp huyện. Ðặc biệt, qua những buổi gặp mặt, đối thoại thường niên giữa UBND huyện Khoái Châu với các doanh nghiệp, những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, đất đai từng bước được giải quyết. Tôi cho rằng, doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế của địa phương, đời sống của Nhân dân sẽ ngày càng phát triển.
Năm 2024 là năm thứ 2 tỉnh Hưng Yên áp dụng bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện. Việc đánh giá, chấm điểm dựa trên cơ sở thu thập, điều tra mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với năng lực điều hành kinh tế, đồng hành và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX. Qua từng năm triển khai, chỉ số DDCI có những điểm mới, sát với yêu cầu thực tiễn hơn. Ngoài những chỉ số thành phần chung như: Tính minh bạch và tiếp cận thị trường, Tính năng động của cấp huyện, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức... thì vai trò của người đứng đầu UBND cấp huyện cũng được xác định là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh. Khi công bố kết quả chỉ số DDCI, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố “tự soi lại chính mình”, tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số DDCI của địa phương trong những năm tiếp theo. Giải pháp căn cơ mà các địa phương cần thực hiện là đẩy mạnh cải cách TTHC, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, tăng tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện các TTHC cho các doanh nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó, chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp...
Nguồn: https://baohungyen.vn/