Hiện nay, toàn tỉnh có 62 làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực như: Cơ khí; tái chế phế liệu; chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; hoa, cây cảnh...
Các làng nghề tạo việc làm cho 45 nghìn lao động với thu nhập 7 – 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của Nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương nhưng hiện nay, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các làng nghề còn nhiều hạn chế, bất cập. Hoạt động sản xuất của một số làng nghề đã gây ô nhiễm môi trường, phải tập trung xử lý. Nguyên nhân của vấn đề trên là do quy mô sản xuất của các hộ dân trong làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, hạn chế về vốn nên thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu khiến chất thải phát sinh lớn gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải tập trung. Việc chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp làng nghề còn gặp khó khăn do thiếu nguồn lực, kinh phí, quỹ đất quy hoạch cụm công nghiệp. Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa, chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, vì lợi ích kinh tế nên nhiều cơ sở sản xuất còn sản xuất theo kiểu tận dụng, chưa quan tâm công tác BVMT, phát triển sản xuất bền vững…
Người lao động tại Làng nghề mộc Chi Lăng, Xã Đại Tập (Khoái Châu)
Thực tế tại các làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang cho thấy, còn tình trạng người dân lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, chăm sóc hoa, cây cảnh; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, giá thể trồng cây chưa được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân quanh khu vực, gây khó khăn trong phát triển du lịch sinh thái.
Tại một số làng nghề mộc như: Thụy Lân (Yên Mỹ), Hòa Phong, Dương Quang (thị xã Mỹ Hào), Đại Tập (Khoái Châu)… các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu và hoá chất như keo, bột đắp, giấy ráp, sơn PU, dung môi, véc-ni. Trong quá trình sản xuất, phát sinh nhiều loại chất thải rắn gồm: Gỗ vụn, mùn cưa, giấy ráp thải và dung môi hữu cơ dư thừa. Bên cạnh đó, hầu hết các khu sản xuất ở dọc đường lưu thông của người dân và xen kẽ cùng khu vực trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Bà Phạm Thị Tính, xã Thụy Lân (Yên Mỹ) cho biết: Các công đoạn sản xuất gỗ được bố trí ở cùng một khu vực nên khi các công đoạn được thực hiện liên hoàn, tiếng ồn từ các máy phát ra khiến tôi bị ù tai. Tuy nhiên, do hạn chế về vốn nên chưa thể xây dựng, bố trí khu vực sản xuất riêng lẻ cho từng công đoạn.
Ðể cải thiện môi trường làng nghề, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT nói chung và BVMT làng nghề nói riêng; có cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đẩy mạnh thu hút xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải làng nghề. Năm 2023, Chi cục PTNT đã hỗ trợ làng nghề mộc Chi Lăng, xã Đại Tập (Khoái Châu) xây dựng dự án phát triển làng nghề bền vững, quan tâm công tác BVMT với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Sở Công Thương hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, giảm phát tiếng ồn; hướng dẫn kiểm tra an toàn sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các địa phương có nghề lập phương án BVMT theo quy định và tổ chức thực hiện đúng phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại sản xuất. Các xã, thị trấn có nghề tăng cường công tác kiểm tra nhằm sớm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường; tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình BVMT làng nghề…
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) cho biết: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền BVMT, hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất tại các làng nghề. Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề di dời vào khu sản xuất tập trung. Ðối với các ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề cần tuân thủ các quy định về xử lý chất thải thu gom, vận chuyển bảo đảm quy định hoặc phải di dời vào khu sản xuất tập trung; kiên quyết chấm dứt hoạt động sản xuất, không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong các làng nghề…
Nguồn: https://baohungyen.vn