Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra sản xuất và làm việc tại Quảng Ninh, họp với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Ðông Bắc về tình hình cung ứng than cho điện.
Dây chuyền công nghệ mới bốc xúc và vận chuyển than tại Công ty tuyển than Cửa Ông.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu TKV đẩy mạnh sản xuất, tăng cung ứng than không dưới 10% so với năm trước và tìm mọi giải pháp để nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện vận hành, trong đó có các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).
Ngày 14/6, Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV cam kết phấn đấu cung ứng 39,7 triệu tấn than trong năm nay, tăng khoảng 4,7 triệu tấn (tương đương 15%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm, sản lượng than của TKV cấp cho các nhà máy nhiệt điện đạt gần 21 triệu tấn, tương đương 54,5% khối lượng hợp đồng và bằng 115,2% so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,765 triệu tấn).
Theo đó, trong sáu tháng đầu năm, tổng khối lượng than rót cho các nhà máy nhiệt điện đạt xấp xỉ 21 triệu tấn (5 tháng đạt gần 17,3 triệu tấn, dự kiến tháng 6 này đạt hơn 3,7 triệu tấn). Các nhà máy nhiệt điện BOT được cung ứng 7,079 triệu tấn, bằng 63,2% kế hoạch cả năm (11,2 triệu tấn); các nhà máy của EVN cung ứng 9,72 triệu tấn, bằng 54,1% khối lượng hợp đồng cả năm (17,98 triệu tấn); nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 1,382 triệu tấn, bằng 36,4% khối lượng hợp đồng cả năm (3,8 triệu tấn); nhà máy của TKV 2,267 triệu tấn, bằng khối lượng hợp đồng 51,1% cả năm (4,44 triệu tấn),… |
Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải đánh giá, từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều được huy động cao, trong đó ba tháng 5, 6, 7 là các tháng cao điểm, các nhà máy nhiệt điện được yêu cầu phát tối đa công suất. Nhìn chung, TKV đã thực hiện cấp than cho các nhà máy nhiệt điện bảo đảm đạt tiến độ theo hợp đồng, thậm chí có một số nhà máy cung cấp vượt tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một vài nhà máy chưa đạt tiến độ.
Ðơn cử, các nhà máy BOT được huy động cao đạt 63,2% kế hoạch cả năm; các nhà máy của EVN cũng đạt và vượt tiến độ hợp đồng, còn Nhà máy nhiệt điện Phả Lại cung ứng đạt thấp (bằng 34,9%) do bị sự cố tổ máy thời gian dài, đến nay vẫn chưa sửa chữa, khắc phục xong. Một số nhà máy của PVN chưa đạt tiến độ như Nhiệt điện Vũng Áng 1 có một tổ máy bị sự cố thời gian dài, đến nay vẫn chưa sửa chữa khắc phục xong; Nhiệt điện Thái Bình 2 đang trong quá trình chạy thử, đến tháng 6 mới chính thức vận hành thương mại cả hai tổ máy,...
Ngày 9/5 vừa qua, trước nguy cơ thiếu điện trong mùa khô, lãnh đạo hai tập đoàn TKV và EVN đã có buổi làm việc về việc cân đối, tăng khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN. Hai bên đã tìm mọi biện pháp giải quyết để cung cấp tăng so với kế hoạch và nhu cầu phát điện của các nhà máy, thống nhất với các nhà máy nhiệt điện BOT về việc giảm khối lượng tồn kho từ 14 ngày xuống 7 ngày, nhằm tăng khối lượng cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN (giảm khối lượng giao than trong tháng 5 của Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương 60.000 tấn than cám loại 6b.1 và BOT Vĩnh Tân 1 khối lượng 100 nghìn tấn cám loại 6a.1) để tăng khối lượng than phối trộn nhập khẩu (khoảng 220.000 tấn) cho các nhà máy nhiệt điện của EVN theo đề nghị của EVN.
Ðồng thời, TKV cũng cấp bổ sung 80.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN và sẽ bù trừ vào các tháng mùa mưa năm 2023 sắp tới. Trong tháng 5 vừa qua, TKV đã thực hiện giao bổ sung cho các nhà máy nhiệt điện của EVN khoảng 300 nghìn tấn.
Cũng theo đề nghị của EVN, căn cứ vào khả năng của TKV, kế hoạch tháng 6 và tháng 7 này, TKV sẽ cấp bổ sung cho các nhà máy nhiệt điện của EVN bình quân 10 nghìn tấn/tháng/nhà máy so với tiến độ quy định trong hợp đồng đã ký, đồng thời giảm khối lượng giao than trong tháng 6 của BOT Mông Dương 2 (giảm tồn kho) 40 nghìn tấn cám 6a.1 để tăng khối lượng than phối trộn nhập khẩu khoảng 50 nghìn tấn, cấp bổ sung cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 khoảng 30 nghìn tấn và Hải Phòng 20 nghìn tấn.
Trong tháng 6, TKV đã tiến hành cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khối lượng 300 nghìn tấn, cao hơn cam kết theo hợp đồng đã ký (140 nghìn tấn) theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, tăng cường hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện phía bắc.
“Trong các tháng 5,6,7 này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, TKV đã nỗ lực tìm mọi biện pháp, kể cả tăng năng lực sản xuất để cung cấp đủ và bổ sung than theo nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Dự báo, nhu cầu than cho điện trong sáu tháng cuối năm 2023, theo nguồn huy động điện của A0-EVN (phương thức vận hành tháng 6/2023 và cập nhật các tháng còn lại trong năm 2023), nhu cầu than cho điện tăng cao đến hết tháng 7/2023 sau đó giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11/2023”, Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết.
Căn cứ theo biên bản với EVN, Tập đoàn TKV cam kết cung cấp tăng 10 nghìn tấn/nhà máy trong tháng 7 cho các nhà máy nhiệt điện của EVN (tổng khoảng 100 nghìn tấn) so với tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi có công điện chỉ đạo ngày 6/6 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà máy nhiệt điện đều có nhu cầu lấy tăng, dự kiến tháng 7/2023, TKV phải cấp tăng so với tiến độ hợp đồng khoảng 500.000 tấn. |
Theo tiến độ hợp đồng, dự kiến nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong sáu tháng cuối năm gần 18,75 triệu tấn, cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn, tăng khoảng 1,2 triệu tấn so với hợp đồng (chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện BOT tăng khối lượng và khối lượng tăng thêm trong ba tháng 5, 6, 7 cho các nhà máy của EVN). Theo phương thức vận hành của A0-EVN, dự kiến sáu tháng cuối năm cần khoảng 18,7 triệu tấn than, cả năm dự kiến đạt 39,68 triệu tấn (tăng 1,16 triệu tấn so kế hoạch của TKV (38,52 triệu tấn).
Căn cứ theo dự báo huy động điện và tình hình huy động các nguồn điện hiện nay của EVN, trong giai đoạn mùa khô, EVN đã huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, tăng huy động nguồn điện năng lượng tái tạo,… Mặc dù vậy, dự báo nhu cầu lấy than của TKV trong sáu tháng cuối năm cho sản xuất điện đạt khối lượng hợp đồng, có thể tăng lên mức tối đa khoảng 5%.
Kể cả trong trường hợp các nhà máy thuỷ điện có nước hoặc giá than nhập khẩu giảm về mức cạnh tranh với than trong nước thì các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ thực hiện nhận đủ khối lượng đã ký với TKV do hiện nay lượng tồn kho tại các nhà máy rất thấp và khách hàng sẽ lấy than để có lượng tồn kho hợp lý gối đầu sang năm 2024.
Nguồn: https://nhandan.vn