Thực hiện định hướng chỉ đạo của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đối với hoạt động báo chí, Báo Nhân Dân đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực.
Bài 2: Những yêu cầu mới cần đặt ra
Sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông mở ra nhiều cơ hội đồng thời đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan báo chí cũng như những người làm báo. Ðể báo chí tiếp tục phát huy tốt hơn nữa sứ mệnh đã được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, trên cơ sở đó xây dựng những định hướng, giải pháp phù hợp, bền vững đối với các hoạt động báo chí nhằm thích ứng với tình hình mới.
Tại các kỳ Ðại hội, lĩnh vực báo chí luôn được Ðảng ta quan tâm, với những định hướng chỉ đạo cụ thể. Tại Ðại hội XIII, Ðảng ta đề ra chủ trương: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông; sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục.
Ðồng thời Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới đó là: Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin và bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin.
Sự lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động báo chí được thể hiện qua các mặt tiêu biểu: Ðảng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển cũng như công tác quy hoạch, định hướng tư tưởng chính trị và hoạt động của các cơ quan báo chí trên toàn quốc; công tác tổ chức cán bộ, cơ chế, chính sách của các cơ quan báo chí; chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động báo chí, truyền thông.
Thực tiễn cho thấy nhờ sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ðảng, hoạt động của báo chí đã thật sự phát huy được tính cách mạng, dân chủ, khoa học và nhân văn; là công cụ sắc bén, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển đất nước. Ðặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự lãnh đạo của Ðảng với các hoạt động báo chí cũng ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn.
Thống kê của Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho thấy chỉ tính riêng trong 20 năm đổi mới (1996-2016), Ðảng ta đã ban hành 48 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về lĩnh vực báo chí-xuất bản; trong đó, lĩnh vực báo chí, truyền thông là 22 văn bản. Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí; 19.356 người được cấp thẻ nhà báo. Có thể nói chưa bao giờ đội ngũ những người làm báo Việt Nam hùng hậu về số lượng như vậy, cùng với đó chất lượng cũng không ngừng được nâng cao.
Tuy vậy, trên thực tế, hoạt động của báo chí vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Có lúc, có nơi, sự chỉ đạo, điều hành, quản lý tại cơ quan báo chí chưa theo kịp với quy mô, tốc độ phát triển và diễn biến tình hình thực tế. Công tác định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, chăm lo xây dựng con người,… tại một số cơ quan báo chí chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Xuất hiện tình trạng “nhạt Ðảng, khô Ðoàn, xa rời chính trị” thậm chí nguy cơ suy thoái trong một bộ phận người làm báo. Biểu hiện dễ nhận thấy đó là trong hoạt động của những cơ quan báo chí này ngày càng xa rời tôn chỉ, mục đích, sa vào các tiêu cực của đời sống xã hội, chạy theo các tin tức giật gân nhằm câu view, câu like để rồi từ đây vô tình cổ xúy lối sống thực dụng, phản văn hóa, bạo lực.
Ðã xuất hiện nhà báo hai mặt: trong khi viết bài trên báo thì vẫn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nhưng khi phát ngôn bên ngoài, nhất là trên mạng xã hội thì nói ngược lại, đả kích, phê phán chế độ, lên án vai trò lãnh đạo của Ðảng,… gây bức xúc dư luận. Cùng với đó tình trạng vi phạm pháp luật trong các hoạt động báo chí có dấu hiệu gia tăng, tình trạng “nhà báo đếm tầng”, “phóng viên IS” nhũng nhiễu, tống tiền cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trở nên nổi cộm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là vai trò của tổ chức đảng ở một số cơ quan báo chí đã bị buông lỏng, xem nhẹ. Sai phạm của một số người làm báo chưa được xử lý, giải quyết kiên quyết, triệt để, khiến cho kỷ cương, kỷ luật không được thực thi nghiêm túc.
Chính những sai phạm, lệch lạc tại một số cơ quan báo chí, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức của một số người làm báo trở thành “miếng mồi ngon” cho các thế lực thù địch, phản động khai thác, sử dụng để tấn công Ðảng, Nhà nước, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Ðảng với hoạt động báo chí. Ðã xuất hiện yêu cầu “mở cửa” cho báo chí tư nhân hoạt động từ những người có ảnh hưởng trong xã hội (KOLs), thậm chí các đối tượng chống phá, cực đoan hô hào thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” - một dạng tổ chức xã hội dân sự, đứng ngoài vòng chính trị nhằm đối lập với Hội Nhà báo Việt Nam. Phát ngôn của Phạm Chí Dũng - người tự xưng là Chủ tịch Hội cho thấy rõ điều đó: “Hội này gồm những người mà muốn có tiếng nói độc lập, muốn chỉ trích những chính sách sai lầm của Chính phủ”.
Không khó để nhận thấy dã tâm của các đối tượng chống phá khi muốn tách rời hoạt động của báo chí khỏi sự lãnh đạo của Ðảng là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng trên mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, âm mưu “đổi mầu” chế độ chính trị ở nước ta đi theo chủ nghĩa tư bản.
Từ tình hình thực tiễn cho thấy việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự lãnh đạo của Ðảng đối với các hoạt động báo chí cần phải được triển khai theo những cách thức đa dạng, linh hoạt, thực chất, hiệu quả hơn. Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”, trong đó yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Ðảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân; tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ðảng và pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam.
Cần xác định nguyên tắc bất di bất dịch đó là phải giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, truyền thông, thực hiện đồng bộ cả bốn khâu: định hướng phát triển; định hướng nội dung; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát. Cùng với đó cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng đối với vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của báo chí truyền thông đối với cộng đồng cũng như trong tuyên truyền việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, nhất là trong bối cảnh diễn biến thế giới và khu vực ngày càng phức tạp, khó lường, sự lấn lướt của truyền thông mạng xã hội, những nguy cơ từ an ninh mạng ngày càng gia tăng.
Tại các cơ quan báo chí, vai trò của tổ chức đảng, của đội ngũ lãnh đạo cũng như các đảng viên làm báo cần được đề cao, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo. Kịp thời nắm bắt và phát huy hiệu quả truyền thông đa phương tiện, để báo chí chính thống thật sự là diễn đàn của dân, vì dân, được nhân dân tin cậy. Như khẳng định của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong bài viết “Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới” đăng tải năm 2017 (khi đó đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư) rằng: “Sự lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, truyền thông trong thời gian tới không chỉ là điều kiện, là động lực quan trọng để làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước, mà còn bảo đảm quyền sáng tạo của báo chí, truyền thông, giúp báo chí, truyền thông hoàn thành trách nhiệm nặng nề, sứ mệnh cao cả của mình đối với đất nước, nhân dân”.
Nguồn: https://nhandan.vn