Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng kẻ gian đột nhập vào các di tích, cơ sở thờ tự lấy trộm tài sản làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, gây bức xúc trong Nhân dân. Một số vụ việc đã được lực lượng chức năng điều tra, khám phá kịp thời, song đây là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, bảo vệ tài sản tại các di tích, cơ sở thờ tự.
Hình ảnh kẻ gian đột nhập vào chùa thôn Đông Cáp, xã Đoàn Đào (Phù Cừ) ngày 2/2 được camera giám sát an ninh ghi lại
Trong những ngày đầu tháng 2, Công an huyện Phù Cừ nhận được tin báo của đại diện các chùa trên địa bàn huyện về việc bị kẻ gian đột nhập cạy cửa, phá khóa, trộm cắp hòm công đức. Theo thông tin của quần chúng phản ánh, kẻ gian lợi dụng đêm khuya đã đột nhập lấy trộm tiền công đức tại chùa thôn Đông Cáp, xã Đoàn Đào vào ngày 2/2 và chùa thôn Phú Mãn, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) vào ngày 16/2. Công an huyện Phù Cừ đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ khẩn trương xác minh, lập chuyên án đấu tranh với loại tội phạm này.
Đối tượng Nguyễn Quý Nam tại cơ quan Công an huyện Kim Động
Trước đó, tháng 6/2023, Công an huyện Kim Động nhận được trình báo về việc tại chùa Trung Đức, thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng xảy ra vụ trộm cắp tài sản. Kẻ gian đột nhập, trộm cắp 20 triệu đồng trong két sắt và 1 điện thoại di động trị giá khoảng 3 triệu đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Quý Nam, 20 tuổi, trú thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng là nghi phạm trộm cắp số tài sản trên. Tại cơ quan điều tra, Nam khai nhận: Qua theo dõi, biết được người quản lý chùa đi vắng, Nam đột nhập, dùng dao cạy khóa cửa rồi tìm kiếm tài sản để trộm cắp. Phát hiện chìa khóa két sắt và chiếc điện thoại để trong phòng ngủ, Nam trộm cắp chiếc điện thoại và dùng khóa mở két sắt, trộm cắp 20 triệu đồng.
Sở dĩ các đối tượng xấu lựa chọn các di tích, cơ sở thờ tự để thực hiện hành vi trộm cắp vì ở những nơi này công tác bảo vệ chưa thực sự được chú trọng. Đối tượng lợi dụng sơ hở, lúc không có người trông coi cả ban đêm hay ban ngày đều có thể ra tay. Trước khi gây án, các đối tượng giả vờ là khách dâng hương, tham quan các di tích, cơ sở thờ tự để tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt, đi lại của người quản lý, trông coi ở đây rồi đợi nửa đêm hoặc gần sáng mới đột nhập, ra tay. Khi thực hiện hành vi phạm tội, chúng thường sử dụng ngụy trang che kín toàn bộ khuôn mặt gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.
Theo kết quả kiểm kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.800 di tích, trong đó có gần 1.200 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh việc bị trộm cắp tiền công đức cũng từng xảy ra một số vụ trộm cổ vật, hiện vật tại các di tích. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đang lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật có giá trị nghệ thuật, lịch sử, kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc bảo quản tài sản, cổ vật, hiện vật và bảo vệ di tích nói chung còn bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Nhiều người làm công việc này là kiêm nhiệm, chưa được bố trí kinh phí phù hợp. Một số nơi giao cho hội viên hội người cao tuổi ở địa phương. Lực lượng bảo vệ mỏng, cơ bản dựa vào tinh thần tự nguyện của Nhân dân. Thành viên của một số ban quản lý di tích địa phương chưa nắm hết giá trị của các cổ vật nên có tâm lý xem nhẹ việc trông coi, bảo vệ. Các di tích, cơ sở thờ tự thường nằm xa khu dân cư, rất ít người đến vào buổi tối. Nhiều di tích chưa xây dựng phương án bảo vệ di vật, cổ vật hiệu quả, bài bản; chưa lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, chưa thống kê theo dõi, số hóa tài liệu, hiện vật để quản lý. Đây chính là nguyên nhân khiến những kẻ xấu dễ nảy sinh lòng tham, thực hiện hành vi trộm cắp.
Trước thực trạng trên, các địa phương cần quan tâm rà soát, kiểm tra các ban quản lý di tích trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Từ đó kịp thời biểu dương đơn vị làm tốt, chấn chỉnh các đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, nhất là công tác bảo vệ tài sản ở các di tích. Công an các địa phương tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền rà soát công tác bảo đảm an ninh tại các di tích, cơ sở thờ tự, yêu cầu khắc phục ngay các bất cập; đẩy mạnh thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trộm cắp tài sản; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ, thành viên phụ trách trông coi và ban quản lý các di tích. Các tầng lớp Nhân dân và ban quản lý các di tích, cơ sở thờ tự cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực gia cố, sửa chữa, nâng cấp hệ thống tường rào, cửa, hệ thống khóa cửa. Đối với các di vật cổ, đồ vật có giá trị, nên cất giữ ở nơi an toàn, cử người trông coi thường xuyên, cần lắp đặt các phương tiện kỹ thuật phòng, chống tội phạm, đặc biệt là lắp đặt hệ thống camera quan sát, hệ thống báo động chống trộm… đồng thời khẩn trương thông báo kịp thời với cơ quan công an khi có vụ việc liên quan đến tội phạm trộm cắp xảy ra.
Nguồn: https://baohungyen.vn