Dù đã hơn một tuần bị các đối tượng lừa đảo qua mạng gọi điện dọa dẫm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền, nhưng khi nhắc lại, chị Lương Thị Vân Anh ở xã Trung Dũng (Tiên Lữ) vẫn không khỏi hoang mang.
Chị Vân Anh cho biết: Đang nấu cơm chiều, điện thoại của chị đổ chuông cuộc gọi qua zalo. Đầu dây bên kia hiện lên hình ảnh một người mặc trang phục của công an và tự xưng là cảnh sát hình sự, đang công tác tại Công an thành phố Chí Linh (Hải Dương). Với giọng đầy “hình sự”, người này cho biết, Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Chí Linh vừa phối hợp phá một vụ án lừa đảo lớn. Sau khi đối tượng bị bắt, họ đã khai có chị Vân Anh trong đường dây, vì vậy chị phải về ngay Công an thành phố Chí Linh để trình diện. Người này không chỉ đọc vanh vách tên tuổi, địa chỉ của mình đang ở, số tài khoản của mình mà còn nói rõ địa chỉ, tên tuổi nhà bố mẹ đẻ, họ tên chồng, địa chỉ cơ quan nơi chồng công tác…
Chị Vân Anh kể: Dù đã nhiều lần nghe cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, nhưng không hiểu sao, lúc họ gọi đến thông báo mình tham gia đường dây lừa đảo và kèm theo thông tin chính xác của mình cùng người thân đã làm chị mất phương hướng, rồi bị dẫn dắt theo chiều hướng của bọn chúng. Chúng cảnh báo chị không được kể cho người khác biết thông tin cuộc gọi này kẻo những người được nghe kể cũng sẽ liên lụy theo chị. Để chị tin đây thực sự là cuộc gọi từ cơ quan công an, bọn chúng quay hình ảnh bà trưởng công an xã nơi bố mẹ đẻ chị đang sinh sống, kèm giọng nói khẳng định rằng công an xã và công an thành phố đang phối hợp điều tra. Sau đó họ hẹn 8 giờ sáng ngày hôm sau chị phải có mặt tại trụ sở Công an thành phố Chí Linh để làm việc, rồi họ tắt máy.
Chị Vân Anh cho rằng, chúng không đòi chuyển tiền cho chúng, đồng thời chị cũng nhận ra gương mặt của bà trưởng công xã nơi chị sinh sống trước khi lấy chồng qua video call nên chị đã tin cuộc gọi của bọn lừa đảo là thật. Dù biết bản thân không làm chuyện gì sai, nhưng chị vẫn vô cùng lo lắng, mất ngủ cả đêm vì lời dọa dẫm của chúng, do đó chị đã không kể chuyện này với ai.
“7 giờ sáng ngày hôm sau, tiếng chuông điện thoại của tôi lại vang lên. Hiện lên màn hình cuộc gọi video lại là hình ảnh người mặc trang phục công an. Chúng liên tục hối thúc tôi ra công an trình diện ngay không tội sẽ tăng lên. Với những lời lẽ hăm dọa của chúng, tôi đã thực sự hoảng loạn nên liên tục hỏi chúng, giờ mình phải làm gì? Lúc này chúng mới bảo rằng, nếu muốn chứng minh mình trong sạch, không tham gia vào đường dây lừa đảo kia thì tạm thời chuyển 30 triệu đồng vào số tài khoản mà chúng bảo đó là tài khoản của cơ quan điều tra để làm căn cứ xác minh. Rồi sau khi ra trình diện, làm việc với công an xong, nếu đúng không tham gia trong đường dây lừa đảo kia thì số tiền đó sẽ được trả lại.Vì trong tài khoản không đủ tiền nên tôi mới rụt rè kể với người trong gia đình nhờ sự giúp đỡ. Sau khi được người thân phân tích, chỉ ra những thủ đoạn của bọn lừa đảo tôi mới dần tỉnh táo, hiểu ra mình đang bị lừa.” – Chị Vân Anh kể lại.
Việc giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa người dân là 1 trong 20 thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao mà cơ quan công an đã cảnh báo tới người dân. Vì vậy, khi người dân gặp những trường hợp như trên hoặc các trường hợp như khuyến cáo của cơ quan công an thì cần tỉnh táo để xác minh rõ ràng, tránh thực hiện các cuộc giao dịch chuyển tiền theo hướng dẫn của họ. Cơ quan công an cũng khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa khác như không cho mượn, cho thuê, mua bán trái phép các loại giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng…; không nhắn vào các đường link lạ; tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.
Khuyến cáo của cơ quan công an về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao:
Nguồn: https://baohungyen.vn