KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 26/05/2023 - Lượt xem: 425
Cấp mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu

Xây dựng và cấp mã số vùng trồng (MSVT) nhằm cung cấp nông sản có chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đây là việc đã và đang được tỉnh, ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh thực hiện.

Vải trứng Hưng Yên ở huyện Ân Thi đang được xây dựng cấp mã số vùng trồng xuất khẩu
Trong những năm qua, việc thiết lập và cấp MSVT ở tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời, góp phần định hướng nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường. Đặc biệt, việc thiết lập và cấp MSVT đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, bảo đảm chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững và trách nhiệm. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu. 
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm qua phát triển với đa dạng các loại cây trồng, trong đó, nhóm cây ăn quả như nhãn, vải, chuối, cây có múi được coi là các cây trồng chủ lực của tỉnh và đã không ngừng được phát triển cả về diện tích, năng suất, chất lượng và giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có trên 15.000 héc-ta cây ăn quả; trong đó, diện tích cây nhãn có 4.731 héc-ta; cây vải có 1.225 héc-ta; diện tích chuối 2.735 héc-ta; cây bưởi 2.019 héc-ta; cây cam 1.970 héc-ta. Toàn tỉnh hiện nay có 3.090 héc-ta cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, VietGAHP. Đây là điều kiện thuận lợi để thiết lập và xây dựng MSVT phục vụ xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh duy trì 33 MSVT với tổng diện tích hơn 235 héc-ta, gồm các cây trồng như nhãn, vải, chuối. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức khảo sát đánh giá để thiết lập, xây dựng 2 vùng trồng chuối tại xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; hoàn thiện việc khảo sát đánh giá và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp MSVT vải xuất khẩu tại xã Đa Lộc (Ân Thi). Ngoài ra, Chi cục tổ chức 2 lớp tập huấn về nhận thức, quản lý và duy trì MSVT cho nông dân tại 2 vùng trồng chuối; 3 lớp tập huấn nâng cao về quản lý, duy trì MSVT nhãn tại huyện Tiên Lữ có MSVT xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức 1 lớp tập huấn phổ biến các quy định về kiểm dịch thực vật đối với quả nhãn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Bùi Xuân Tám, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là cá nhân đại diện cho 4 MSVT nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Úc với diện tích 46 héc-ta cho biết: Sau khi được cấp MSVT để phục vụ xuất khẩu sản phẩm nhãn quả, các hộ trong vùng đã thực hiện nghiêm các yêu cầu về biện pháp quản lý sinh vật gây hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón, yêu cầu về an toàn thực phẩm, ghi chép hồ sơ trong quá trình chăm sóc… 
Đến nay, công tác thiết lập và quản lý MSVT dành được nhiều sự quan tâm của tỉnh, ngành chuyên môn, các địa phương và tổ chức, doanh nghiệp, nông dân. Để đủ điều kiện được cấp MSVT, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất… Đây là một trong những điều khiến nông dân e ngại tham gia. Tuy nhiên, xây dựng MSVT mang lại nhiều ích lợi thiết thực như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý được diện tích trồng, số lượng cây trong vườn, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây trồng; giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và ước lượng năng suất... Từ đó, cây trồng cho chất lượng quả ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương, tổ chức, cá nhân hiện nay đang quan tâm nhiều đến việc thiết lập, mở rộng các diện tích vùng trồng được cấp mã số mà chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác giám sát các vùng trồng để duy trì điều kiện đáp ứng với các yêu cầu của nước nhập khẩu sau khi đã được phê duyệt. Ngoài ra, việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân về quy trình sản xuất, quy định về MSVT, cơ sở đóng gói cũng cần được đẩy mạnh nhằm phục vụ quản lý tốt những vùng trồng đã được cấp mã số. Mặc dù các vùng trồng đều có cam kết tuân thủ các quy định trong quản lý, giám sát MSVT nhưng trên thực tế còn một số hộ nông dân tham gia trong MSVT chưa thực hiện nghiêm các điều kiện về quản lý MSVT, đặc biệt là khâu vệ sinh vườn, thu gom và xử lý vỏ bao bì phân bón, thuốc BVTV đã làm ảnh hưởng đến vùng trồng và công tác quản lý.
Hiện nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng đều yêu cầu các vùng trồng phải áp dụng những quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục thực hiện công tác giám sát 33 MSVT theo quy định; thiết lập mới 2 vùng trồng để xây dựng MSVT ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS đã được phê duyệt. Thiết lập, xây dựng MSVT mới trên các cây trồng theo yêu cầu và đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất để đề nghị Cục BVTV cấp khi các vùng trồng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Cục BVTV và yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra, các cấp, ngành liên quan tăng cường, tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và tổ chức, cá nhân tham gia MSVT để thực hiện tốt chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan