KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 11/10/2023 - Lượt xem: 522
Cây bí vụ đông trên đồng ruộng Ân Thi

Vụ đông năm 2023 - 2024, huyện Ân Thi có kế hoạch gieo trồng 800 héc-ta rau màu. Đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã gieo trồng được 285 héc-ta bí ngô (bí đỏ), bí xanh. Đây được xem là cây trồng chủ lực của huyện, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi, Quang Vinh, Đặng Lễ...

Cây bí ngô được trồng nhiều ở huyện Ân Thi
Tại thôn Gạo Nam, xã Hồ Tùng Mậu, từ nhiều năm nay, cây bí ngô đã gắn bó với người nông dân, trở thành cây trồng truyền thống, đưa vụ sản xuất thứ ba trong năm trở thành vụ cho thu nhập cao. Cách đây 1 tháng, nông dân nơi đây đã hối hả ra đồng rẽ lúa chuẩn bị đến kỳ thu hoạch làm luống trồng cây bí ngô. Người dân nắm rõ quy luật thời tiết, đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây bí nên chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi gieo cấy vụ mùa, chuẩn bị giống, phân bón, điều kiện chăm sóc, bảo vệ cây trồng để cho năng suất, chất lượng cao. Những ngày cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa lớn, người dân thôn Gạo Nam đã chủ động tiêu thoát nước bảo đảm toàn bộ diện tích trồng cây bí không bị úng ngập. Trong thôn, hầu như mỗi nhà đều có máy bơm nước cá nhân công suất nhỏ để chủ động bơm gạn tháo ra kênh mương. Đồng chí Phạm Như Công, Chủ tịch UBND xã Hồ Tùng Mậu cho biết, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương, xã xây dựng kế hoạch gieo trồng cây vụ đông cụ thể cho từng thôn, từng khu đồng, thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện cho nông dân. Các thôn tuyên truyền rộng rãi kế hoạch gieo trồng để Nhân dân chủ động chuẩn bị cho sản xuất. Riêng thôn Gạo Nam trồng hơn 30 mẫu bí ngô bao tử (thu hoạch quả non). Có hộ trồng từ 3 đến 4 mẫu, mỗi vụ cho thu lãi 3 triệu đồng/sào trở lên.
Tại xã Nguyễn Trãi, hằng năm, việc quy vùng diện tích trồng cây vụ đông, cơ cấu giống cây trồng vụ đông được gắn chặt với bố trí cơ cấu giống và diện tích gieo cấy lúa mùa sớm. Năm nay, riêng thôn Mão Xuyên đã trồng 20 héc-ta cây bí ngô bao tử. Khu vực vùng trồng cây vụ đông chủ động được tưới, tiêu nước, giao thông đi lại thuận lợi cho thu hoạch và vận chuyển sản phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi. Ở thôn có một số người thu mua để cung cấp sản phẩm cho lái buôn nên người dân càng gắn bó với cây trồng truyền thống này
Cây bí dễ trồng, chi phí thấp, không mất nhiều công chăm sóc, đặc biệt các giống mới cho năng suất, chất lượng. Tùy từng giống cho sản phẩm quả non hoặc thu hoạch quả chín. Đồng chí Cao Thị Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi cho biết, đợt mưa to kéo dài cuối tháng 9 vừa qua, làm ngập nhiều diện tích cây trồng, trong đó có bí. Cùng với hệ thống trạm bơm của Nhà nước, nông dân đã chủ động bơm tháo nước ở ruộng, tập trung chăm sóc cây trồng sau mưa, bảo vệ cây trồng không bị thiệt hại. Đánh giá hiệu quả trồng bí ngô, bí xanh vụ đông qua nhiều năm cho thấy, trung bình mỗi sào người dân thu được 5 triệu đồng. Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các xã, thị trấn lựa chọn các giống cây trồng vụ đông có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, dễ tiêu thụ sản phẩm, trong đó có các giống bí xanh, bí ngô Vino 34, Arjuna, Goldstar 998, Fuji 868.
Để gieo trồng cây vụ đông nói chung, cây bí nói riêng đạt kế hoạch và kịp thời vụ, UBND huyện Ân Thi chỉ đạo phòng, ngành chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động, linh hoạt trong việc điều tiết nước trên ruộng lúa để thuận lợi cho việc trồng cây vụ đông sớm, nhưng không để ảnh hưởng đến công tác phòng, trừ sâu bệnh cho lúa cuối vụ. Tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa và làm đất, gặt đến đâu làm đất trồng cây vụ đông đến đó theo phương châm "sáng lúa, chiều vụ đông". Bí là loại cây trồng ưa ấm nên được cơ cấu trà sớm. Do vậy, những chân ruộng bố trí trồng bí sẽ được thu hoạch lúa trước ngày 5/10. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối, làm đất tối thiểu để bảo đảm thời vụ; áp dụng các biện pháp chăm sóc theo hướng sản xuất an toàn. Phòng chuyên môn phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân bón đủ lượng, bón tập trung và cân đối NPK theo nhu cầu của từng loại cây trồng; bảo đảm đủ nước cho cây vụ đông, không để hạn hoặc úng ngập vào các giai đoạn xung yếu của cây trồng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan