Ngày 09/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 2596-CV/TU về việc chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Nội dung như sau:
Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức rèn luyện, phấn đấu; không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập và khả năng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số cơ quan, đơn vị có một bộ phận cán bộ, công chức biểu hiện làm việc cầm chừng; có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm; né tránh, đùn đẩy; chưa chủ động tham mưu, đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ được giao; một số công việc giải quyết còn chậm so với thời gian quy định, giảm chất lượng, hiệu quả công tác; ý thức kỷ luật và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ chưa cao; chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế; chưa chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ có nơi chưa thường xuyên; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả chưa cao; chấp hành pháp luật, quy định những điều đảng viên không được làm, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện chưa nghiêm, còn bị xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền và pháp luật.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các Ban đảng tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và thực hiện có hiệu quả: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyết khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2012 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực; Công điện số 280/CĐ- TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
2. Tiếp tục cụ thể hóa, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, kết luận, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 17/11/2022 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Hưng Yên; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/8/2022 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; Kết luận số 738-KL/TU ngày 11/3/2024 về việc tiếp tục thực hiện Quy định số 1506-QĐ/TU ngày 18/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Kế hoạch số 272-KH/TU ngày 21/2/2024 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh Hưng Yên.
3. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa; tự giác trong rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, xây dựng đoàn kết nội bộ; biểu dương, khen thưởng kịp thời người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực; kiên quyết đấu tranh, phê phán với những biểu hiện sai trái, vi phạm pháp luật, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám lên án, thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của Nhân dân, những hành vi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức.
4. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nội quy, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm tra, giám sát; cụ thể hóa quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ, quy chế phối hợp của tập thể, cá nhân gắn với từng khâu trong quy trình xử lý công việc để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm không dám làm. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền được xử lý nhanh chóng, kịp thời; nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
5. Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn thống nhất trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương với nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn hoàn thành.
6. Thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, của cán bộ, đảng viên về cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
7. Đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá đúng, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong công việc, nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, tránh tình trạng chọn việc nhẹ, việc dễ; việc khó đùn đẩy cho người khác, tập thể khác. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, bảo vệ đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
8. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm để công việc trì trệ, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật thì kịp thời xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
9. Đảng đoàn HĐND chỉ đạo HĐND, Thường trực HĐND tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả trong việc xây dựng, tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật; xây dựng chính quyền; thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là hoạt động chất vấn, yêu cầu giải trình; tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; xem xét, tổng hợp, xử lý ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; cho từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ...theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
10. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành và triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực và công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên thanh tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
11. Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo triển khai các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự.
12. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, nhất là kiểm tra, giám sát đối với ủy viên và người đứng đầu các cấp ủy đảng; tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cán bộ, đảng viên về thực hiện nhiệm vụ, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
13. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tăng cường nắm tình hình, dư luận xã hội, phản ánh của Nhân dân về cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đấu tranh, lên án các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
14. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, đảng viên; ban hành các chính sách, quy định về quản lý cán bộ, đảng viên; cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung và xử lý cán bộ, đảng viên có các biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm.
15. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thường vụ Tỉnh đoàn tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội; giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tạo điều kiện thuận lợi và phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông đối với cán bộ, đảng viên.
Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Ban đảng tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo phổ biến, quán triệt đến chi bộ, cán bộ, đảng viên; hướng dẫn, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung của Công văn này. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Nguồn: https://baohungyen.vn