KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 24/05/2024 - Lượt xem: 488
Chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi

Chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, giảm rủi ro và chi phí sản xuất mà còn góp phần hình thành các chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Lợi ích của chăn nuôi an toàn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại lựa chọn phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín và đã khẳng định được hiệu quả. Ông Nguyễn Vinh Quang, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Lệ Xá (Tiên Lữ) cho biết: Hiện nay, trang trại đang chăn nuôi khoảng 3 nghìn con lợn theo quy trình khép kín, có hệ thống cho ăn, uống tự động. Người làm việc trong trại phải bảo đảm quy trình sát trùng, diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với đàn vật nuôi. Với hệ thống thiết bị điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức ổn định, hạn chế các nguồn gây bệnh chủ yếu từ môi trường nên tỉ lệ rủi ro chỉ chiếm khoảng 5%. Lợi nhuận tăng 15 – 20%.
Mô hình chăn nuôi lợn khép kín ở xã Đình Dù (Văn Lâm)
Công ty TNHH Minh Hoa, xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) đang áp dụng mô hình nuôi lợn an toàn sinh học, khép kín. Theo bà Vũ Thị Hoa, Giám đốc công ty, với việc nuôi bằng hình thức công nghiệp, quy mô lớn, công ty chủ động nguồn giống và thực hiện tiêm vắc xin theo từng giai đoạn phát triển của đàn lợn. Ngoài ra, công ty ghi chép nhật ký chăn nuôi; thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, tuân thủ các quy định về vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, đàn lợn của công ty phát triển khỏe mạnh, duy trì được tổng đàn và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Theo đánh giá của các trang trại chăn nuôi trong tỉnh, chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giảm công lao động, chi phí thức ăn, bảo đảm môi trường chăn nuôi. Do đó, dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch sang chăn nuôi quy mô khép kín, an toàn sinh học. Đến nay, toàn tỉnh có trên 550 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, được thị trường đánh giá cao.
Tham gia vào chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm
Sản phẩm gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) được đánh giá có chất lượng cao hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nuôi ở địa phương khác. Tuy nhiên, sản phẩm làm quà biếu chủ yếu là gà thương phẩm, sản phẩm chưa đồng đều khó vận chuyển đường dài nên khách hàng ở khu vực xa khó tiếp cận. Đây là nguyên nhân Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo được thành lập với mục tiêu liên kết các hộ chăn nuôi gà tại địa phương. HTX vừa hỗ trợ thành viên con giống, kỹ thuật chăn nuôi vừa hỗ trợ tiêu thụ, chế biến các sản phẩm từ gà Đông Tảo. Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo cho biết: Thành lập HTX góp phần đưa thương hiệu sản phẩm gà Đông Tảo đến nhiều đối tượng khách hàng với đa dạng sản phẩm như: gà ủ muối, giò xào gà Đông Tảo, giò lụa gà Đông Tảo, chân gà ngâm sả tắc… Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, quy trình sản xuất an toàn nên các sản phẩm: Thịt gà Đông Tảo, giò lụa gà Đông Tảo và giò xào gà Đông Tảo được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Chăn nuôi gà an toàn sinh học ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu)
Ngày 12/11/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 2631/QĐ – UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án chuỗi). Tổng kinh phí thực hiện trên 73,2 tỷ đồng. Hằng năm, Ban quản lý Đề án chuỗi tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn đối tượng tham gia đề án; tổ chức tập huấn quy trình sản xuất VietGAHP trong chăn nuôi; hỗ trợ hệ thống điện, xử lý chất thải cho các đối tượng tham gia. Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, chứng nhận duy trì mở rộng VietGAP, VietGAHP cho 73 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích gần 746 héc-ta, gần 83 nghìn con gia súc, gia cầm, trên 1,4 nghìn đàn ong… Lựa chọn gần 90 tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chuỗi. Tại các chuỗi chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm đã từng bước khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm... Ngoài ra, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học còn giúp kiểm soát được dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, sở đang phối hợp với các địa phương rà soát thực trạng chăn nuôi để xây dựng đề án chăn nuôi xa khu dân cư gắn với giết mổ tập trung để bảo đảm quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan