Chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách có hiệu quả. Chi bộ có trách nhiệm giáo dục và quản lý đảng viên, vận động quần chúng; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng viên…
Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định rõ 5 nhiệm vụ của chi bộ… Đảng ta cũng ban hành nhiều văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình chi bộ… Ngày 1/12/2023, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 138-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở…
Trong phạm vi bài viết này, xin tập trung nhấn mạnh vai trò của chi bộ cơ sở trong đấu tranh, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói đại ý trong một buổi họp rằng: Chúng ta đừng coi nhẹ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cơ sở… Nếu chi bộ nào cũng làm tốt chức năng của mình, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát tốt thì những tiêu cực, tham nhũng và các biểu hiện khác sẽ rất ít xảy ra. Nếu sinh hoạt chi bộ diễn ra thẳng thắn, xây dựng, có tính Đảng cao chắc sẽ có đảng viên dám đứng tên góp ý, phê bình việc làm của đồng chí này, hiện tượng của đồng chí kia là chưa đúng, có khả năng vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng. Nếu có môi trường tốt, tự phê bình, phê bình diễn ra lành mạnh, xây dựng, chắc sẽ có đảng viên đứng lên tự nhận việc làm của mình là sai sót, xin được sửa chữa thiếu sót. Đó là cách phòng, chống, đấu tranh ngăn chặn sai lầm, khuyết điểm từ sớm, từ xa. Và chi bộ lúc đó sẽ như “bức trường thành vững chắc”. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tuy xảy ra ở một số ít đảng viên, một số ít bộ phận nhưng ngày càng diễn biến phức tạp, biểu hiện tinh vi hơn. Kèm theo đó là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi… ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân với Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XIII chỉ rõ những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà biểu hiện rõ nhất là quan điểm tư tưởng phản bác, phủ nhận những vấn đề chính trị cốt lõi của Đảng và thể chế chính trị - xã hội của nước ta, từ chủ nghĩa Mác-Lênin đến các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nền dân chủ XHCN, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; vai trò lãnh đạo của Đảng với báo chí, văn học - nghệ thuật; chính sách dân tộc, tôn giáo…
Hiện nay, để phát hiện, ngăn ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trên rất khó khăn và phức tạp vì nó diễn ra trong đầu óc của con người nên đòi hỏi các chi bộ phải thật sự như bức trường thành ngăn chặn sớm, đẩy lùi từ xa. Vì vậy, giải pháp để nâng cao tính chiến đấu, khả năng ngăn chặn, phát hiện, xử lý các biểu hiện nêu trên cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên. Muốn vậy, chi ủy phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, tổ đảng viên (như kiểu tổ tam tam khi xưa trong lực lượng vũ trang), phân công đảng viên nắm, bám từng mảng công tác, từng diễn biến tư tưởng của từng khu dân cư, xóm, phố…
Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng sinh hoạt, trong đó có sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy nên làm việc với tổ trưởng tổ đảng và hội ý trong chi ủy để thống nhất nội dung họp cho thiết thực, chọn các công việc khó để làm trước, việc dễ làm sau.
Ba là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong chi bộ. Mỗi đảng viên phải là tấm gương cho mọi người noi theo. Trong chi ủy, nên phân công đồng chí bí thư hoặc đồng chí phó bí thư phụ trách công tác kiểm tra, giám sát. Nếu duy trì sinh hoạt chi bộ, coi trọng tự phê bình, phê bình sẽ là bước phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, hạn chế tiêu cực ngay từ cơ sở, từ chi bộ.
… Nói về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng chi bộ, có lần cố Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Đình Hoan nói: Chi bộ là nơi mọi người biết rất rõ về nhau, nếu sinh hoạt chi bộ mà có đồng chí đảng viên hay bí thư chi bộ đứng lên nói: Tôi do không đấu tranh được nên bản thân có làm một việc tham nhũng, tiêu cực, xin nghiêm khắc kiểm điểm trước các đồng chí; hay đồng chí bí thư chi bộ dõng dạc tuyên bố: Chi bộ ta có xảy ra tham nhũng. Như vậy thật tốt biết bao nhiêu cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Về công tác xây dựng Đảng nói chung và ở tỉnh ta nói riêng, trong một bài viết của đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở tỉnh ta đạt kết quả khá khả quan, toàn diện hơn về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững nguyên tắc tổ chức, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật nghiêm minh của Đảng… Tăng cường nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội; kịp thời định hướng, xử lý, góp phần bảo đảm chính trị nội bộ, ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Người viết bài này thiết nghĩ: Ý tưởng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trong đó hãy đặt đúng và thực hiện tốt vai trò, chức năng của chi bộ cơ sở, chi bộ tốt sẽ có nhiều đảng viên tốt và Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn