Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quảng Ngãi ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có khả năng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1320/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có khả năng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng
Theo Kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có khả năng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng của tỉnh (06 vùng không gian kinh tế động lực, 02 trung tâm động lực tăng trưởng, 03 trung tâm đô thị và 04 hành lang phát triển kinh tế) gắn với hai hành lang phát triển của vùng (Hành lang kinh tế Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây); hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba trung tâm đô thị đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và liên vùng. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch về khoảng cách giàu - nghèo.
Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước,... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng cháy, chữa cháy, quốc phòng, an ninh, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, theo Kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng của tỉnh trên cơ sở các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư dẫn dắt bởi các dự án đầu tư công, phát huy tối đa hiệu quả của các công trình hạ tầng đã được đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực: Giao thông vận tải; công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; du lịch, thương mại, dịch vụ, văn hoá, thể thao; hạ tầng đô thị, khu dân cư; tài nguyên và môi trường; nông, lâm nghiệp và thủy sản; y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin và truyền thông, an sinh xã hội; thu hút các dự án khác theo yêu cầu phát triển của tỉnh.
Đồng thời, thu hút đầu tư gia tăng mật độ, quy mô, năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực của tỉnh.
Các dự án Quảng Ngãi dự kiến ưu tiên đầu tư có thể kể đến là: Tuyến đường Ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc (Cầu Trà Khúc I - bến Tam Thương); đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc; các tuyến đường trục trong Khu kinh tế Dung Quất; xây dựng phát triển hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi, lưu vực phía Nam hạ lưu sông Trà Khúc…
Kế hoạch sử dụng đất
Quảng Ngãi sẽ xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2025 và 2026-2030 bảo đảm phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao; Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tỉnh; Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm và bền vững đất đai với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt theo đúng định hướng của Quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại địa phương trong từng thời kỳ cụ thể cho phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất an ninh, quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giải pháp thu hút đầu tư phát triển
Theo Kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của cơ quan đầu mối xúc tiến đầu tư của tỉnh; nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng phạm vi xúc tiến đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu và để thu hút các dự án đầu tư lớn, phục vụ các ngành, lĩnh vực trong định hướng phát triển của tỉnh. Xây dựng Đề án ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ngãi; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hợp tác công tư và các hình thức khác.
Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực quan trọng trên địa bàn, theo hướng đa dạng với nhiều hình thức và chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),... để tranh thủ kêu gọi các đối tác đầu tư nước ngoài.
Quảng Ngãi sẽ chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, các dự án đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia, trong khu vực và toàn cầu. Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực tài chính, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên, khuyến khích đầu tư như: nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; ngành công nghiệp có lợi thế; dịch vụ, thương mại - du lịch; kinh tế biển; hạ tầng đô thị, nông thôn;... nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang có người gác
Thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có người gác
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1324/QĐ-TTg về việc thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang có người gác.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có người gác theo Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 907/VPCP-CN ngày 04/02/2021 của Văn phòng Chính phủ và văn bản số 1782/TTg-CN ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, hoàn thành trong năm 2025.
184 đường ngang có người gác bao gồm: 38 đường ngang tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; 3 đường ngang tuyến Diêu Trì - Quy Nhơn; 22 đường ngang tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; 2 đường ngang tuyến nhánh đường sắt Cảng Chùa Vẽ; 60 đường ngang tuyến Yên Viên - Lào Cai; 2 đường ngang tuyến Phố Lu - Pom Hán; 2 đường ngang tuyến Bắc Hồng - Văn Điển; 16 đường ngang tuyến Đông Anh - Quán Triều; 2 đường ngang tuyến Gia Lâm - Hải Phòng…
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất và nội dung dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ; rà soát, cân đối nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt đã giao năm 2024 để thanh quyết toán các đường ngang đã hoàn thành và thực hiện ngay những công việc cần thiết, cấp bách.
Quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chi phí, đơn giá, định mức; quản lý sử dụng nguồn kinh phí được giao theo đúng quy định pháp luật; thực hiện sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang hoàn thành trong năm 2025, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan cân đối, bố trí đủ kinh phí để thực hiện hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/