KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức sự kiện
Đăng ngày: 14/11/2024 - Lượt xem: 116
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2024

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2024.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
 
 
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2024- Ảnh 1.
 
Lạng Sơn đầu tư có trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
Theo Kế hoạch, đối với dự án đầu tư công tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tiếp tục rà soát, cập nhật các dự án đang triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 và bảo đảm tính khả thi trong giai đoạn 2026 - 2030 trong lĩnh vực giao thông kết nối vùng, liên vùng, liên huyện, có vai trò quan trọng về phát triển đô thị, phát triển các ngành, sản phẩm, lĩnh vực quan trọng của địa phương; đặc biệt là các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tăng cường khả năng kết nối với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và tỉnh Quảng Ninh. Mở mới, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, các nút giao kết nối với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, các khu, điểm du lịch của tỉnh; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt Bắc Sơn và Chi Lăng, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh...
Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công, trong giai đoạn 2021 - 2030 tập trung ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh: công nghiệp; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Lĩnh vực công nghiệp: Ưu tiên thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình; các cụm công nghiệp được bố trí tại các vị trí kết nối thuận tiện với các tuyến hành lang kinh tế dọc theo cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 4A và cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh nối Lạng Sơn với Cao Bằng, Quốc lộ 4B nối Lạng Sơn với Quảng Ninh; các dự án phát triển ngành sản xuất và chế biến, tập trung chế biến nông lâm sản quy mô lớn, cơ sở chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; các dự án phát triển ngành năng lượng tái tạo, phát triển các khâu trong chuỗi cung ứng ngành điện gió; các ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, tái chế và sản xuất hàng hoá xuất khẩu.
Lĩnh vực dịch vụ: Ưu tiên thu hút các dự án thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics; dịch vụ giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao, văn minh, hiện đại. Đặc biệt là các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng thương hiệu cho du lịch Lạng Sơn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Hoàn thành đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ưu tiên thu hút các dự án thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu, chất lượng cao theo chuỗi giá trị; các dự án phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với chăn nuôi truyền thống; các dự án đầu tư khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; các dự án góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn, dược liệu dưới tán rừng.
Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: Tập trung thu hút và mở rộng các dự án phát triển các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng tùy theo đặc tính thương phẩm và quy trình lưu thông của hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu. Tập trung hoàn thành đầu tư thí điểm và vận hành cửa khẩu thông minh.
9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Theo Kế hoạch, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong đó, Lạng Sơn tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; xây dựng, hoàn thiện các đề án mở chính thức, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, nâng cấp cửa khẩu song phương, cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm thực hiện xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên nghiệp, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư. Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu; rà soát, thu hồi, chấm dứt đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả.
Phát triển và cung ứng nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện thành công các khâu đột phá phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục...
Phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
 
 
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2024- Ảnh 2.
 
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1372/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo phân công, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì soạn thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng yêu cầu 2 dự án luật trên trình Chính phủ trong tháng 2/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2025.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật được điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát đầy đủ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; trong quá trình xây dựng các dự án luật, đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Chính phủ đúng thời hạn, tiến độ đã được phân công theo Quyết định này và chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của dự án luật.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định kịp thời, đúng tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện theo quy định.
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 12/11/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.
Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 và ban hành Nghị quyết số 142/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Để triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng tại Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15; nâng cao nhận thức về Luật Bảo hiểm xã hội; tổ chức
thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.
Nội dung của Kế hoạch gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội, cán bộ trực tiếp làm công tác bảo hiểm xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn, tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền và người trực tiếp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.
Các bộ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội theo phân công tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7...
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
 
 
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/11/2024- Ảnh 3.
 
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, Nghị định số 148/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định về bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự như sau:
Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo.
Đối với kinh doanh dịch vụ vũ trường, phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và Nghị định số 56/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định số 148/2024/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm chung của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là phải bảo đảm tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BXD ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định có liên quan đến an toàn cháy, an toàn chịu lực cho nhà và công trình và phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Trường hợp tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Sửa quy định về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đù điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường
Nghị định số 148/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về "Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đù điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường" như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường (gọi là Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh).
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Trình tự cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh
Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về "Trình tự cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh" như sau:
1. Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
2. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ.
3. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thẩm định hồ sơ, thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại địa điểm kinh doanh (sau đây gọi là Đoàn thẩm định) về các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh quyết định cấp hoặc không cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Thành phần Đoàn thẩm định không quá 07 thành viên, gồm đại diện các cơ quan: Công an, Văn hóa, Xây dựng và các cơ quan khác có liên quan.
Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày thành lập, Đoàn thẩm định tổ chức thẩm định và ban hành kết quả thẩm định theo Mẫu số 06 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có trách nhiệm cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này hoặc không cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Trường hợp không cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh gửi 01 bản Giấy phép đến doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được cấp Giấy phép đù điều kiện kinh doanh, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, cơ quan công an cấp huyện nơi thực hiện kinh doanh và lưu 01 bản Giấy phép tại cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/
 
 
 
 
Tin liên quan