Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/11/2024.
Không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực.
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 – 2025
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025.
Mục tiêu của Kế hoạch là thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Trong đó, xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực; từng bước đưa công nghệ số và dữ liệu số trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.
4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:
1- Phát triển kinh tế số ICT: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng để thúc đẩy kinh tế số. Doanh nghiệp công nghệ số mạnh là lực lượng sản xuất tiên tiến để phát triển kinh tế số ICT và thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực.
2- Phát triển dữ liệu số: Đẩy nhanh mức độ sẵn sàng của các bộ dữ liệu chất lượng cao và thúc đẩy lưu thông, chia sẻ, mở dữ liệu; thúc đẩy việc mở dữ liệu, tích hợp, tái sử dụng, lưu thông dữ liệu và cải thiện hiệu quả nhờ đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; nghiên cứu và triển khai thí điểm các kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu và phát triển các ứng dụng số...
3- Phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực: Chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.
Ưu tiên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có tiềm năng lớn và dư địa phát triển kinh tế số gồm: Thương mại bán buôn, bán lẻ; Nông nghiệp; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Logistics.
Phát triển kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp tập trung chú trọng vào nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Phát triển kinh tế số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thực hiện chuyển đổi các nhà máy trở thành các nhà máy thông minh phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên thế giới.
Phát triển kinh tế số lĩnh vực logistics theo hướng ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu chi phí logistics toàn trình, xuyên suốt toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển, cửa khẩu, kho - bãi - cảng tới tận tay người tiêu dùng và ngược lại....
4- Quản trị số: Triển khai thí điểm ở các bộ, ngành, địa phương sau đó nhân rộng các nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp luật, thực thi công vụ; hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý và các trợ lý ảo khác; hoàn thiện mô hình điều hành dựa trên dữ liệu qua Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) để phổ biến cho các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I), tỉnh Yên Bái (ảnh minh họa).
Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I), tỉnh Yên Bái
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I), tỉnh Yên Bái.
Tại Quyết định trên, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là Tổng Công ty Viglacera - CTCP.
Dự án được triển khai tại xã Bảo Hưng và Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với quy mô 54,59 ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.184,33 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW và chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về môi trường, trong đó lưu ý việc xả thải của khu công nghiệp Trấn Yên vào đầu nguồn sông Hồng; theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước khu vực hạ lưu sông Hồng.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc Tổng Công ty Viglacera - CTCP sử dụng vốn, huy động vốn để đầu tư vào dự án; bảo đảm hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong quá trình đầu tư dự án và thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chịu trách nhiệm về những nội dung đã chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó liên quan đến việc thu hồi quyết định chủ trương đầu tư của Công ty cổ phần Edge Glass, đảm bảo không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Việc triển khai giai đoạn II của khu công nghiệp Trấn Yên (84,41 ha) phải phù hợp điều kiện thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất; trường hợp điều chỉnh diện tích này và chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác (nếu có) phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, khu công nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan.
Tổ chức lập, thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân, đối tượng bị thu hồi đất, tránh xảy ra khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương...
Tổng Công ty Viglacera - CTCP (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I)
được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Đảm bảo sử dụng vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; cụ thể hóa phương án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án.
Tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có việc quản lý hoạt động xả thải vào đầu nguồn sông Hồng, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước.../.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/