Một số chợ, trung tâm thương mại trong tỉnh được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng trên diện tích hàng nghìn mét vuông, thế nhưng không thu hút được tiểu thương và người tiêu dùng đến giao dịch, mua bán. Chợ hiện đại mà lại bỏ hoang, vừa lãng phí nguồn vốn đầu tư, vừa lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo dư luận xấu trong Nhân dân. Đây là bài học trong quy hoạch, xây dựng chợ, trung tâm thương mại hiện nay.
Bài 1: Nghịch lý chợ, trung tâm thương mại xây xong bỏ hoang, dân họp chợ ngoài đường
Chợ to đẹp thành sân phơi, nơi đỗ xe
Chợ Yên Mỹ (Yên Mỹ) vắng bóng tiểu thương
Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán, phục vụ đời sống người dân, ngày 25/9/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Yên Mỹ. Dự án được triển khai trên địa bàn thị trấn Yên Mỹ, bao gồm các hạng mục chợ chính, chợ dân sinh… với diện tích đất dành cho việc xây dựng công trình chợ là hơn 10 nghìn m2. Riêng khu vực chợ Yên Mỹ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 24,6 tỷ đồng, bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua, bán tại địa phương. Năm 2012, chợ Yên Mỹ được đưa vào sử dụng với hạ tầng khang trang, nhưng đến nay, khu chợ này trong tình trạng “chợ không nhà trống” do người dân không chịu vào giao dịch mua bán trong chợ. Khu vực xung quanh chợ hiện nay được người dân sử dụng làm sân phơi hoặc nơi đỗ xe. Đồng chí Ngô Quang Thiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ cho biết: Khi chợ Yên Mỹ hoàn thành, đi vào khai thác, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động các tiểu thương kinh doanh tại khu vực chợ cũ của thị trấn vào chợ mới để giảm thiểu tình trạng buôn bán, kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè, gây mất an toàn giao thông. Ban đầu, một số tiểu thương đồng tình, nhất trí kinh doanh tại chợ mới. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các tiểu thương quay trở lại chợ cũ để kinh doanh, buôn bán. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho chợ mới đầu tư xây dựng hoạt động không hiệu quả là do thói quen về việc “bám chân” chợ cũ, chợ tạm mà không mặn mà với chợ mới; hoặc nhiều người do không muốn chi phí để được vào kinh doanh, buôn bán tại chợ mới nên chọn cách ở lại khu vực chợ cũ. Theo một số tiểu thương, vị trí quy hoạch để xây dựng chợ mới chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công trình xây xong không nhận được sự ủng hộ của người dân…
Trung tâm thương mại im lìm “cửa khóa then cài”
Tại huyện Khoái Châu hiện nay cũng có một số chợ, trung tâm thương mại (TTTM) được quy hoạch xây dựng nhằm mục đích di chuyển chợ “cóc” họp lấn chiếm lòng, lề đường giao thông. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay một số chợ vẫn “vắng như chùa Bà Đanh”, không có người bán, chẳng có người mua, cỏ dại mọc um tùm. Do bị bỏ hoang lâu ngày nên nhiều hạng mục công trình bị hỏng, các thanh sắt hoen gỉ. Một số người dân tận dụng khu đất trống để tập kết nguyên vật liệu xây dựng hoặc để ô tô. Điển hình như khu vực chợ và TTTM Khoái Châu trên địa bàn xã Dân Tiến thuộc dự án Chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu. Trong quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) dự án Chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 12/11/2010, phần diện tích đất xây dựng chợ là hơn 20,4 nghìn m2. Năm 2018, khu chợ và TTTM Khoái Châu được hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, khu TTTM với diện tích khoảng 1,7 nghìn m2 của dự án với đầy đủ các hệ thống thoát nước, phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường không có tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Đến nay khu TTTM Khoái Châu luôn trong tình trạng không có người qua lại hay trao đổi mua bán. Thế nhưng cách đó vài trăm mét là khu chợ cũ vẫn nhộn nhịp, tấp nập giao dịch hằng ngày. Ông Nguyễn Duy Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hưng Hải – Chủ đầu tư dự án Chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu cho biết: Ngay sau khi đưa vào hoạt động khu TTTM, công ty đã đưa ra nhiều chính sách thu hút các tiểu thương vào hoạt động như: Không thu phí thuê mặt bằng, hỗ trợ tiền điện, nước… Tuy nhiên, tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán trong TTTM với con số “khiêm tốn”, thời điểm nhiều nhất có khoảng 30 tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, do kinh doanh không hiệu quả, các tiểu thương đã trả lại mặt bằng. Từ năm 2020 đến nay, khu TTTM của dự án phải đóng cửa do không có khách. Nhiều hạng mục công trình sau một thời gian dài không được bảo dưỡng, sửa chữa đã xuống cấp. Một số tiểu thương sau khi trả lại mặt bằng cho biết, do khách hàng vẫn lựa chọn mua bán ở khu vực chợ dân sinh nên việc kinh doanh trong TTTM không đạt hiệu quả như mong muốn…
Chợ to dân bỏ, chợ nhỏ dân vào
Không chỉ có chợ Yên Mỹ, TTTM Khoái Châu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều chợ, TTTM dù đã được đầu tư tiền tỷ để xây dựng khang trang, sạch đẹp nhưng không được tiểu thương ủng hộ, đồng thuận nên khi xây xong cũng trong tình trạng “bỏ hoang” gây lãng phí. Điển hình như: Chợ Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ); chợ An Vĩ (Khoái Châu)… Trong khi đó, cách các khu chợ to đẹp phải đóng cửa im lìm kể trên chỉ vài chục đến vài trăm mét là tình trạng nhộn nhịp, tấp nập mua bán của các điểm chợ “cóc”, chợ tạm họp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây khó khăn cho công tác quản lý. Điển hình như tại xã An Vĩ, chợ mới xây bị bỏ không nhưng chợ cũ vẫn hoạt động nhộn nhịp, nhiều tiểu thương lấn chiếm xuống lòng lề đường, tạo sức ép gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Trong khi đó, khu chợ cũ do đã xây dựng từ lâu nên không có hệ thống thoát nước, không đáp ứng được vấn đề vệ sinh môi trường... Bà Nguyễn Thị T. một tiểu thương kinh doanh tại khu vực chợ An Vĩ cho biết: Sở dĩ các tiểu thương ở đây chưa mặn mà với chợ mới vì vị trí chợ mới xây dựng không thuận lợi cho việc buôn bán.
Qua khảo sát của phóng viên cho thấy, yếu tố chính khiến các chợ, TTTM không được sử dụng hoặc sử dụng không hết công năng là đầu tư không phù hợp so với nhu cầu thực tế. Trong quá trình đầu tư, nhiều địa phương không khảo sát kỹ về nhu cầu cũng như địa điểm đầu tư, không lấy ý kiến người dân. Ðiều này cho thấy, quá trình đầu tư xây dựng chợ, các đơn vị liên quan chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, nhu cầu của người dân, cũng như sự tính toán thiếu hợp lý, gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, lãng phí tài nguyên đất đai.
Nguồn: https://baohungyen.vn