KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 06/12/2023 - Lượt xem: 359
Chợ hiện đại nhưng lại bỏ hoang: Bài học trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng thương mại

Bài 2: Để mạng lưới chợ, trung tâm thương mại hoạt động hiệu quả

Chợ, trung tâm thương mại (TTTM) không chỉ là nơi giao thương, trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người dân. Do đó, việc thực hiện quy hoạch, xây dựng chợ, TTTM cần phù hợp với tình hình thực tế địa phương, sự đồng thuận của Nhân dân.
Chợ bỏ hoang và câu hỏi còn bỏ ngỏ
Chợ An Vĩ mới (Khoái Châu) “cửa đóng then cài” sau khi được đầu tư xây dựng
Theo báo cáo của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 103 chợ, trong đó có 10 chợ đạt tiêu chí hạng 1, 10 chợ đạt tiêu chí hạng 2 và 83 chợ được định hướng trong quy hoạch là hạng 3. Quá trình thực hiện phát triển hạ tầng thương mại thời gian qua, việc đầu tư xây mới, cải tạo một số chợ, TTTM trên địa bàn tỉnh chưa phù hợp với thực tế ở một số địa phương đã gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, lãng phí tài nguyên đất đai. Ông Trần Văn T., người dân xã Dân Tiến (Khoái Châu) cho biết: Đối với các chợ, TTTM đã hoàn thiện nhưng hoạt động không hiệu quả, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị triển khai. Phải xem xét trước khi khởi công dự án, chủ đầu tư và các ngành chức năng địa phương đã đánh giá tiềm lực, tiềm năng và hiệu quả công trình chợ chưa? Hay chỉ vẽ, rồi xây lên, khi không khai thác được đành bỏ hoang? Bởi bất kể dự án nào khi triển khai không mang lại hiệu quả đều để lại thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động kinh doanh của người dân và sự phát triển của địa phương. Nếu có sự thất thoát, lãng phí, cần xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể... để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Quy hoạch chợ cần quan tâm: dân biết, dân bàn, dân đồng thuận
Theo lý giải của lãnh đạo một số địa phương có chợ xây mới chưa phát huy hiệu quả, nguyên nhân của tình trạng này là do người dân có thói quen “bám chân” chợ cũ, chợ tạm mà không mặn mà với chợ mới. Bên cạnh đó, tiểu thương không muốn phải chi phí “mua chỗ” để được vào kinh doanh, buôn bán tại chợ mới nên chọn cách ở lại khu vực họp chợ cũ…
Qua tìm hiểu của phóng viên tại một số địa phương, tình trạng chợ mới bị bỏ hoang còn có nguyên nhân là khi tiến hành xây dựng chợ mới, công tác khảo sát quy hoạch, lấy ý kiến của Nhân dân chưa được quan tâm, coi trọng. Đồng thời, công tác quy hoạch chưa tính đến các yếu tố như các địa điểm đã có chợ truyền thống, những vị trí thu hút được đông người tham gia qua lại, tổ chức giao thương, giao lưu hàng hóa, thuận tiện giao thông. Chính quyền địa phương, ngành chức năng chưa quyết liệt trong việc giải tỏa chợ tạm, chợ “cóc” lấn chiếm lòng đường, vỉa hè,  hành lang an toàn giao thông.
Các tiểu thương sử dụng đường giao thông để họp chợ quanh khu vực chợ An Vĩ (Khoái Châu)
Để mạng lưới hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư, thiết nghĩ, khi đầu tư xây dựng hoặc tiến hành nâng cấp các chợ, TTTM, các địa phương cần đưa ra các phương án lựa chọn cả về địa điểm lẫn mức đầu tư phù hợp với nhu cầu mua, bán của người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại địa phương. Trước khi xây dựng chợ cần tham khảo ý kiến của Nhân dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của tiểu thương. Khi dân được biết, được bàn, dân đồng thuận thì việc xây dựng, phát triển chợ sẽ bền vững. Nếu việc xây dựng chợ, TTTM không nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của Nhân dân sẽ không mang lại được ý nghĩa như mong muốn, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Mặt khác, khi xây dựng xong mà đã đúng với các tiêu chí đã đề ra thì chính quyền địa phương cần xử lý triệt để các điểm chợ “cóc”, chợ tạm; đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để các hộ kinh doanh vào buôn bán tại khu chợ mới. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan