Vụ xuân năm nay, nông dân trong tỉnh gieo cấy được hơn 24,2 nghìn héc-ta lúa, trong đó diện tích áp dụng phương pháp gieo thẳng hơn 7,6 nghìn ha, cấy bằng máy hơn 2,1 nghìn héc-ta, còn lại là diện tích cấy bằng tay. Hiện nay, nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa.
Qua đánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh, toàn bộ diện tích lúa xuân được gieo cấy bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ. Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy, nông dân tập trung bón phân, bắt diệt ốc bươu vàng, diệt chuột gây hại. Đến ngày 11/3, nông dân chăm sóc lúa đợt 1 được hơn 23,9 nghìn héc-ta, chăm sóc đợt 2 được gần 14 nghìn héc-ta. Diễn biến bất thường của thời tiết sẽ là điều kiện để các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại lúa. Vì vậy, các địa phương và nông dân cần tăng cường theo dõi và làm tốt công tác dự tính, dự báo sự phát sinh của sâu bệnh để chủ động ngăn chặn, phòng trừ không để bệnh phát sinh thành dịch.
Nông dân huyện Tiên Lữ bón phân cho lúa xuân
Trên đồng ruộng ở các địa phương của huyện Ân Thi, nông dân đang tập trung tiến hành tỉa dặm, cấy bổ sung những diện tích lúa bị chết, cấy thưa, chuột cắn hại; huy động máy bơm điện, bơm dầu chủ động bơm lấy nước vào đồng để dưỡng lúa, tập trung chăm sóc lúa và diệt chuột, ốc bươu vàng bảo vệ lúa xuân. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sản xuất vụ xuân năm nay trong điều kiện thời tiết khó khăn, khô hạn kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho công tác điều tiết nước, lấy nước đổ ải và gieo cấy lúa. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các hợp tác xã triển khai các biện pháp chống hạn nhằm bảo đảm đủ nước phục vụ đổ ải vào gieo cấy lúa xuân theo đúng lịch và trong khung thời vụ tốt nhất; kết thúc thời vụ, toàn huyện gieo cấy được 6,3 nghìn héc-ta. Đến ngày 11/3, nông dân trong huyện đã hoàn thành làm cỏ, bón thúc cho toàn bộ diện tích lúa, chăm sóc lần 2 được trên 3,5 nghìn héc-ta. Để lúa xuân phát triển thuận lợi, đơn vị chuyên môn của huyện tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thực hiện một số biện pháp như: Trên những diện tích gieo cấy sớm khi lúa đã bén rễ hồi xanh nếu chưa bón thúc phải khẩn trương tiến hành tỉa dặm bảo đảm đúng mật độ, đồng thời bón thúc sớm, bón đủ lượng bằng phân NPK tổng hợp theo nhu cầu của từng giống lúa và quy trình của từng loại phân bón khi thời tiết ấm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Đối với các giống lúa lai nên sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng kali cao để bón, lượng bón cao hơn so với lúa thuần khoảng 10% tổng lượng của một lần bón để bảo đảm nhu cầu. Những diện tích lúa mới cấy, lúa chưa bén rễ hồi xanh, phải chủ động bón thúc và dặm tỉa ổn định mật độ ngay khi cây lúa hồi xanh. Đối với những chân ruộng trũng, đất chua, có nhiều rong rêu, những diện tích bị vàng lá, nghẹt rễ sinh lý, cây lúa chậm sinh trưởng, phải bón bổ sung thêm 20 - 30kg vôi bột/sào để khử chua, diệt rong rêu. Giữ mực nước từ 1 - 3 cm kết hợp với làm cỏ sục bùn tạo bộ rễ thông thoáng để hút dinh dưỡng (kể cả những trường hợp đã phun thuốc trừ cỏ); sử dụng phân bón qua lá chuyên dùng cho lúa, loại kích thích rễ để phun, khi cây lúa hồi phục mới tiến hành bón thúc...
Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, nông dân cần dặm, tỉa ổn định mật độ đối với diện tích lúa gieo thẳng khi lúa được 3 lá thật và đối với diện tích lúa cấy bị chết khóm do chuột và ốc bươu vàng gây hại. Tiến hành chăm sóc, bón phân NPK tổng hợp theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón bổ sung các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và các loại phân ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí sản xuất. Khi bón, cần theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng giống lúa, từng loại phân bón và thực hiện đúng theo nguyên tắc “5 đúng và 1 cân đối”. Duy trì mực nước khoảng 3cm đối với lúa cấy và 1-2cm đối với lúa gieo thẳng, khi cây lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh cần rút nước phơi ruộng, để ruộng khô khoảng 7 ngày nhằm hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Tuyệt đối không được để ruộng thiếu nước, khô hạn hoặc ngập úng trong thời kỳ lúa đẻ nhánh; thường xuyên kiểm tra, củng cố bờ vùng, bờ thửa để chủ động điều tiết nước hợp lý trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa. Tăng cường kiểm tra, theo dõi và phòng trừ hiệu quả, kịp thời các đối tượng sâu bệnh và dịch hại trên lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá trên các giống lúa chất lượng.
Nguồn: https://baohungyen.vn