KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 15/12/2023 - Lượt xem: 713
Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống, ngành chức năng, các địa phương và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan, bảo đảm an toàn cho đàn lợn phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Huyện Tiên Lữ thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn
Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3222/UBND-KT2 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chuyên môn, các địa phương, các hộ chăn nuôi trong tỉnh đang chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh DTLCP, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi…
Huyện Tiên Lữ hiện nay có trên 65 nghìn con lợn. Xác định phòng, chống bệnh DTLCP là việc làm thường xuyên, liên tục, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh DTLCP nói riêng. Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền đến hộ chăn nuôi chủ động biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, đặc biệt khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bệnh cần báo lực lượng thú y và chính quyền địa phương, không bán chạy đàn hoặc tự ý tiêu hủy gây lây lan dịch bệnh; tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, khu vực kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường…
Trải qua các đợt DTLCP, phần lớn các hộ chăn nuôi đã nhận thức tốt hơn trong chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn như: Phun khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột quanh chuồng trại, hạn chế người và phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, đồng thời bổ sung vitamin cho đàn vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng…
Sau đợt bùng phát DTLCP năm 2019 đến nay, trang trại của gia đình bà Trần Thị Thành ở xã Nhuế Dương (Khoái Châu) luôn trong trạng thái hoạt động “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hiện nay, gia đình bà thường xuyên nuôi trên 200 con lợn thịt, lợn nái. Bà Thành chia sẻ: Với những hộ chăn nuôi, chỉ một chút chủ quan, lơ là sẽ gây thiệt hại lớn. Công tác phòng, chống dịch được gia đình tôi thực hiện chặt chẽ, chuồng trại được phun khử khuẩn thường xuyên, hạn chế người ngoài ra, vào trại. Gia đình tôi chủ động từ con giống đến hệ thống chăn nuôi khép kín, bảo đảm tiêm phòng vắc xin, tiêu độc sát khuẩn chuồng trại để phòng bệnh dịch. Do đó, nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh không bị dịch bệnh.
Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong tỉnh luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm và triển khai đồng bộ các biện pháp. Trong Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc từ ngày 15/9 – 15/10, tỉnh hỗ trợ các địa phương 20 tấn thuốc sát trùng. Cùng với đó, thực hiện tiêm phòng vụ Thu - Đông cho đàn vật nuôi đối với các loại vắc xin: tụ huyết trùng trâu, bò; lở mồm long móng trâu, bò; dịch tả lợn cổ điển; tụ huyết trùng lợn; tai xanh lợn; lở mồm, long móng lợn; cúm gia cầm; dại chó mèo. Đối với bệnh DTLCP, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên việc triển khai tiêm còn khó khăn do vắc xin chỉ dùng cho đối tượng lợn thịt từ 8 đến 12 tuần tuổi và phải sau 4 tuần thì vắc xin mới phát huy hiệu lực phòng bệnh; đàn lợn phải được xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP trước khi tiêm nên tốn kém cho nông dân.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 511.000 con. Hiện nay, việc chăn nuôi, giết mổ lợn nhỏ lẻ còn phổ biến, chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh; nhu cầu tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn tăng cao trong các tháng cuối năm. Mặt khác, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại và phát tán rộng. Do đó, nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh DTLCP là rất cao.
Để ngăn chặn bệnh DTLCP, Chi cục Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trong chuồng kín; kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi; chủ động nguồn con giống tại chỗ (hoặc mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh); kiểm soát thức ăn đầu vào; thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng môi trường định kỳ, thường xuyên; tiêm phòng đầy đủ vắcxin phòng các bệnh khác cho đàn lợn như: tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan