KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 22/05/2024 - Lượt xem: 486
Chủ động phòng, chống thiên tai

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo tổng hợp của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, năm 2023, có 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 1 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh là cơn bão số 1 (TALIM). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, ngày 18/7/2023 tại khu vực tỉnh có gió mạnh 9m/s, giật 10-11m/s; khu vực tỉnh có mưa to.
Trạm bơm Mai Xá B (Tiên Lữ) sẵn sàng bơm tiêu úng
Nền nhiệt độ trung bình năm 2023 cao hơn trung bình nhiều năm; nhiệt độ cao nhất 39,40C (ngày 17/5/2023), thấp nhất 8,30C (ngày 23/12/2023). Trong năm, có 19 đợt không khí lạnh với cường độ trung bình đến yếu. Nắng nóng xuất hiện muộn, toàn mùa đã xuất hiện 13 đợt nắng nóng và một số ngày nắng nóng đơn lẻ. Tổng số ngày nắng nóng là 63 ngày, nhiều hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, tổng lượng mưa toàn tỉnh thấp hơn so với trung bình nhiều năm, lượng mưa phân bố không đồng đều theo các tháng, cả năm có 6 đợt mưa lớn diện rộng.
Mùa lũ 2023 trên sông Hồng tại Trạm thuỷ văn thành phố Hưng Yên không có lũ tiểu mãn, đỉnh lũ năm thấp. Trên sông Hồng xảy ra 2 trận lũ. Tình hình hạn hán trong năm chủ yếu tập trung vào các tháng đông xuân (tháng 1, 2, 3, 4 và tháng 11, 12 năm 2023). Thời gian khô hạn nặng chủ yếu vào tháng 1, tháng 2, tháng 3, xảy ra hầu hết tại các địa phương trong tỉnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân… Do ảnh hưởng của thiên tai, năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 3 sự cố đê, kè; 3 người tử vong do bị sét đánh.
Công nhân Trạm bơm Hoà Đam (thị xã Mỹ Hào) kiểm tra máy bơm phục vụ chống úng
Thiên tai ngày càng có xu hướng xảy ra cực đoan hơn, với mức độ ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, không theo quy luật, khó lường, nhiều trận thiên tai lớn, đặc biệt lớn xảy ra đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó với mọi tình huống, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, cần huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai có hiệu quả các biện pháp cơ bản nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và thích ứng với biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống; xây dựng các kế hoạch, phương án để chủ động PCTT&TKCN; tăng cường năng lực nhằm chủ động ứng phó kịp thời và có hiệu quả trước mọi tình huống; tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là ở các vùng thường xuyên chịu tác động của lũ, bão, thiên tai. Các sở, ngành cần rà soát, xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN cụ thể, chi tiết và sát thực. Trong đó, cần xác định nhiệm vụ chống hạn hán, úng nội đồng và bão, lốc, lũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong mùa mưa bão năm 2024. Xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, phương án trọng điểm và kế hoạch về vật tư, phương tiện, lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp. Phương pháp chỉ đạo, điều hành cần dứt khoát và linh hoạt, tổ chức thực hiện khẩn trương, chặt chẽ. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn đến các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp cơ sở (xã, thôn). Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, xóm, người dân để sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tăng cường quản lý việc xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu, thoát nước khu dân cư, đô thị, khu vực ven sông, bãi sông nhằm hạn chế tác động do thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành. Hoàn thành công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, công trình thủy lợi và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều; tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn công trình và các hạng mục công trình, đối với công trình mất an toàn cần phải tu sửa khẩn cấp; xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình. Rà soát, điều chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù thiên tai của vùng và tác động của biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan