Từ ngày 2/5, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây ngập úng cục bộ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và khu dân cư. Nhằm chủ động phòng, chống úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và nông dân đang khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Tại huyện Văn Giang, trong các ngày 2 và 3/5 có mưa to, dông, lốc, sét. Một số diện tích cam Vinh, cam đường canh, quất, rau màu bị ngập úng cục bộ, một số diện tích rau màu bị dập nát. Sau khi ngớt mưa, nước rút, các hộ có diện tích bị ngập đang tập trung đào rãnh thoát nước, vun xới gốc cây.
Nông dân xã Tân Tiến (Văn Giang) chống úng cho diện tích cây cảnh
Trên các vùng trồng cây ăn quả, rau màu của huyện Khoái Châu, nông dân đang khẩn trương thu dọn những cây bị đổ, héo, dập nát do ảnh hưởng của mưa dông trong các ngày 2 và 3/5, đồng thời tiến hành vệ sinh đồng ruộng, khơi thông rãnh thoát nước để đề phòng diễn biến của mưa úng những ngày tiếp theo. Bà Nguyễn Thị Thủy, xã Phùng Hưng có hơn 5 sào trồng ngô và rau xanh vụ xuân bị ảnh hưởng của mưa dông. Bà Thủy cho biết: Mưa lớn kéo dài làm đất trôi màu, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây. Hiện nay, tôi tập trung khơi rãnh, vun luống cao để hạn chế ngập úng; sau khi hết mưa tiến hành dọn những cây bị dập, héo, xới xáo mặt luống, đồng thời trồng dặm bổ sung cho những diện tích rau màu bị hỏng.
Ở các vùng trồng nhãn, vải của thành phố Hưng Yên và các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, nông dân đang tập trung thực hiện các biện pháp chống úng nhằm hạn chế hiện tượng cây bị úng gây rụng quả. Bà Trần Thị Bắc, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Mưa to kéo dài làm đất trôi màu, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây nhãn. Hiện nay, cây nhãn đang trong giai đoạn quả non, mưa to kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng, đặc biệt là sâu bệnh phát sinh mạnh. Do vậy, trong thời gian mưa kéo dài, tôi và các hộ trồng nhãn tập trung tháo gạn nước tại các vườn nhãn, sau khi hết mưa mới tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to và kéo dài, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Để hạn chế thiệt hại đến sản xuất, các ngành liên quan, địa phương và Nhân dân cần chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống. Các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi cần chủ động công tác trực gác, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các diện tích cây ăn quả, rau màu, lúa xuân bị ảnh hưởng của mưa úng, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng bằng các biện pháp như: Sau khi rút hết nước trên các chân ruộng, cần làm vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch lá úa, lá rụng, thân cây chết, rửa sạch bộ lá để giúp cây quang hợp tốt, không bón phân cho cây khi nước mới cạn. Khi mưa tạnh, mặt ruộng đã se, tiến hành xới xáo phá váng để tạo độ thông thoáng dưới gốc giúp cây nhanh hồi phục. Khi cây đã hồi xanh, bắt đầu ra lá, lộc mới hoặc phát triển rễ mới tiến hành chăm sóc. Ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ sinh học hoặc phân NPK, đồng thời sử dụng thêm phân bón qua lá; tăng cường công tác điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh gây hại.
Nguồn: https://baohungyen.vn