Bão số 1 năm 2023 (tên quốc tế là Talim) đang hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15.
Từ chiều ngày 17/7, bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.
Trạm bơm Tam Đô (Ân Thi) sẵn sàng bơm tiêu úng
Đây là cơn bão đầu tiên trong năm 2023, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, với cường độ mạnh ngay sau đợt nắng nóng kéo dài. Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản, sản xuất nông nghiệp của người dân, các ngành, địa phương và Nhân dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão, mưa úng; đơn vị thủy nông chủ động công tác trực gác, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã hoàn thành gieo cấy lúa mùa, lúa trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, một số diện tích giai đoạn đẻ nhánh. Trước diễn biến bão số 1 có khả năng mưa to diện rộng và kéo dài, tình trạng ngập úng có thể xảy ra, các địa phương đã chỉ đạo đơn vị thủy nông và nông dân chủ động tiêu thoát nước đệm bảo đảm an toàn cho diện tích lúa, đặc biệt với các diện tích lúa gieo thẳng cần có biện pháp duy trì mực nước mặt ruộng phù hợp để khi có mưa không bị hư hại; khoanh vùng để tiêu úng khi có mưa lớn. Các địa phương có diện tích cây ăn quả đang khẩn trương hướng dẫn nông dân phòng, chống ngập úng cho diện tích rau màu, cây ăn quả, chằng chống cho toàn bộ diện tích chuối nhằm hạn chế đổ gãy.
Trước dự báo ảnh hưởng của bão số 1, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Phù Cừ yêu cầu các trạm bơm trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ máy móc để chủ động xử lý mọi tình huống. Với diện tích lúa mùa đã gieo cấy được gần 3,4 nghìn héc-ta, nông dân đã chủ động khơi thông dòng chảy, chuẩn bị tốt cho việc tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Cùng với đó, diện tích cây ăn quả như nhãn, vải, cam… tập trung tại các xã vùng trũng như Tam Đa, Minh Tiến, Nguyên Hòa, Tống Trân, nông dân đang khẩn trương thu hoạch những diện tích nhãn đã đến kỳ thu hoạch. Đối với diện tích trồng cam, nông dân chủ động chằng chống thân cây nhằm hạn chế tình trạng gió lớn làm gãy cành, những quả còn non được chằng buộc cẩn thận không để va đập mạnh dẫn đến rụng quả.
Nhằm phòng, chống úng cho sản xuất nông nghiệp, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Ân Thi đã cho vận hành các trạm bơm như: Bích Tràng, Trà Phương, Tam Đô, Cống Bún... để gạn tháo nước tại các tuyến kênh mương nội đồng. Đối với diện tích trồng rau màu vụ hè thu, tập trung chủ yếu tại các xã Đào Dương, Tiền Phong, Hồng Vân, Hạ Lễ... phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch những cây trồng đã đến kỳ thu hoạch. Khơi thông dòng chảy tại các chân ruộng và làm luống cao với những diện tích gieo trồng mới.
Thời điểm này, các vườn nhãn trong tỉnh đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch trà sớm, trà nhãn chính vụ chuẩn bị cho thu hoạch. Để giảm thiểu thiệt hại đối với diện tích nhãn, nông dân đang khẩn trương chằng chống, cắt tỉa lá, cành nhằm tránh gẫy rụng quả khi mưa, gió to, khơi rãnh thoát nước; mặt khác tập trung thu hoạch diện tích nhãn đã chín.
Tại các công trình đang thi công, lồng bè nuôi thả thủy sản trên sông cũng đang được người dân chằng buộc và sẵn sàng có phương án bảo vệ, tránh để xảy ra sự cố lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão. Công ty Điện lực Hưng Yên chủ động phương án cấp điện cao nhất cho tất cả các trạm bơm tiêu thoát nước trong suốt thời gian có mưa bão.
Cùng với các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 1 gây ra, sau ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, ngập úng diện tích cây ăn quả, rau màu, lúa mùa, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng bằng các biện pháp như: Sau khi rút hết nước trên các chân ruộng cần làm vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch lá úa, thân cây chết, rửa sạch bộ lá để giúp cây quang hợp tốt, không bón phân cho cây khi nước mới cạn. Khi mưa tạnh, mặt ruộng đã se, tiến hành xới xáo phá váng để tạo độ thông thoáng dưới gốc giúp cây nhanh hồi phục. Khi cây đã hồi xanh, bắt đầu ra lá, lộc mới hoặc phát triển rễ mới tiến hành chăm sóc. Ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ sinh học hoặc phân NPK, đồng thời sử dụng thêm phân bón qua lá; tăng cường công tác điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại.
Nông dân huyện Kim Động khẩn trương thu hoạch nhãn trà sớm
nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa bão
Nguồn: https://baohungyen.vn