Chủ tịch Khamtay Siphandone là một trong những lãnh đạo Lào luôn có quan hệ gần gũi, gắn bó với các nhà lãnh đạo Việt Nam ở mọi thời kỳ, là người luôn quan tâm vun đắp quan hệ Lào-Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone thăm Bộ tư lệnh Quân khu 7 và thăm Sân bay Biên Hòa (1977). (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Chủ tịch Khamtay Siphandone - người con ưu tú của dân tộc Lào, nhà lãnh đạo xuất sắc, chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng và nhân dân Lào; người bạn lớn, thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã từ trần vào hồi 10 giờ 30 phút, ngày 2/4/2025, hưởng thọ 102 tuổi.
Người con ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và nhân dân Lào
Chủ tịch Khamtay Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ gây dựng phong trào và khai phá con đường cách mạng của Lào. Ông đã cùng với các vị lãnh đạo khác của Lào tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng trưởng thành phát triển và giành được những thắng lợi to lớn.
Trong sự nghiệp cách mạng, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng, từ đại biểu Chính phủ Lào Itxala khu vực Nam Lào, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu vực miền Trung, rồi Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào Itxala và Mặt trận Lào yêu nước, Ủy viên trung ương Đảng; được phong quân hàm Đại tướng và trở thành người đứng đầu Quân giải phóng nhân dân Lào, tiếp đến là Quân đội nhân dân Lào; Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; Thủ tướng, sau đó là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Lào cho đến khi về hưu năm 2006.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone lên chiếc máy bay P5 trong chuyến thăm Bộ tư lệnh Quân khu 7 và thăm sân bay Biên Hòa (1977). (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Chủ tịch Khamtay Siphandone sinh ngày 8/2/1924 ra trong một gia đình có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương tại khu vực thuộc tỉnh Siphandone (nay là tỉnh Champasak).
Từ năm 1946, người thanh niên Khamtay Siphandone đã tham gia phong trào của viên chức, thanh niên, sinh viên, hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp theo hình thức hợp pháp và bí mật.
Đến năm 1947, trong điều kiện không thể tiếp tục tiến hành đấu tranh chống thực dân Pháp theo hình thức này, ông đã tham gia lực lượng của Mặt trận Lào Issara, đánh dấu bước khởi đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Những năm sau đó, ông đã kề vai sát cánh cùng Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận Lào yêu nước lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành thắng lợi, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.
Sau năm 1975, ông tiếp tục cùng với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các vị lãnh đạo khác của Lào nghiên cứu, đề ra đường lối chính sách của từng giai đoạn. Tiêu biểu là lãnh đạo tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược gồm sự nghiệp bảo vệ chế độ mới và xây dựng đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone thăm Việt Nam (1977). (Ảnh: TTXVN)
Ngày 15/8/1991, Hội nghị Hội đồng Nhân dân Tối cao Khóa II đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng thời thông qua việc bầu ông làm Thủ tướng. Ngày 24/11/1992, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất bầu ông làm Chủ tịch Đảng.
Với tư cách người đứng đầu Chính phủ Lào, tiếp đó là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ông đã chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận của Đảng, tầm nhìn, chiến lược, đường lối, chính sách phát triển đất nước trong dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn phù hợp điều kiện cơ chế mới, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nổi bật là tầm nhìn chiến lược đến năm 2020; xác định cơ cấu kinh tế; phân cấp quản lý theo ngành; nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực; nghị quyết về xây dựng cơ sở chính trị và phát triển nông thôn toàn diện; chỉ thị về chuyển đổi tỉnh trở thành đơn vị chiến lược, chuyển huyện thành đơn vị kế hoạch-tài chính, chuyển bản thành đơn vị tổ chức thực hiện; nghị quyết về công tác văn hóa trong thời kỳ mới...
Tất cả những đóng góp quan trọng trên là công sức, trí tuệ và tư duy sáng tạo của Chủ tịch Khamtay Siphandone trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước cũng như tổ chức thực hiện đường lối đổi mới để đem lại kết quả thực tế như ngày nay của đất nước Triệu Voi.
Từ năm 2006, mặc dù đã nghỉ hưu song Chủ tịch Khamtay Siphandone vẫn quan tâm đến tình hình đất nước; tiếp tục hoạt động để góp phần vào công cuộc củng cố xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước trở thành nhà nước pháp quyền và phục vụ nhân dân.
Người góp phần củng cố, vun đắp quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong, Chủ tịch Khamtay Siphandone và các nhà lãnh đạo của hai nước đã đặt nền móng vững chắc, hết mình vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới, được đúc kết trong hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt-Lào hai nước chúng ta /Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
Chủ tịch Khamtay Siphandone là người đầu tiên thay mặt Chính phủ Lào kháng chiến gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, đại biểu thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi (năm 1947), để trao đổi về việc cùng phối hợp liên minh chiến đấu giữa Lào và Việt Nam, đặc biệt là việc đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam sang phối hợp với quân kháng chiến Lào trong hoạt động, xây dựng lực lượng, giúp đội quân kháng chiến Lào, sau này là Quân đội Nhân dân Lào ngày càng trưởng thành, phát triển và vững mạnh. Có thể nói, đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành Liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam.
Trong giai đoạn kháng chiến, cứu quốc, Chủ tịch Khamtay Siphandone đã cùng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh với các chuyên gia quân sự và bộ đội tình nguyện Việt Nam trong nhiều trận đánh ở nhiều chiến trường khác nhau, góp phần cho chiến thắng vẻ vang của hai dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù chung.
Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Khamtay Siphandone luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (2002). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ông cũng là một trong những lãnh đạo Lào luôn có quan hệ gần gũi, gắn bó với các nhà lãnh đạo Việt Nam ở mọi thời kỳ, là người luôn quan tâm vun đắp, thúc đẩy và góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, giúp cho quan hệ này ngày càng đơm hoa kết trái và trường tồn.
Kể từ sau khi nghỉ hưu vào năm 2006 đến nay, ông vẫn luôn quan tâm, theo dõi, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước Lào cũng như quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam.
Có thể khẳng định những đóng góp quan trọng không mệt mỏi của Chủ tịch Khamtay Siphandone trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Lào đã góp phần không nhỏ vào việc vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam.
Và tinh thần yêu nước cao cả, sự cống hiến vì đất nước của các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước, trong đó có Chủ tịch Khamtay Siphandone, chung tay gìn giữ và vun đắp giúp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Nguồn: https://nhandan.vn