KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 25/12/2024 - Lượt xem: 111
Chú trọng công tác giáo dục quyền con người theo Công ước CAT

Việt Nam luôn xác định giáo dục quyền con người là một trong những điều kiện bảo đảm thực hiện và bảo vệ quyền con người, bởi vì giáo dục là công cụ chuyển tải những kiến thức cơ bản về các quyền con người, hình thành ý thức tôn trọng quyền con người.

Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (giữa), Trưởng đoàn Việt Nam đã tham dự và phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm quốc tế “Tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống giáo dục: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn”.
Nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam
Giáo dục quyền con người ở Việt Nam không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn là nhiệm vụ tự thân xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa, của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Kể từ khi là thành viên Công ước chống Tra tấn của Liên hợp quốc (CAT), Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động cụ thể nhằm thực hiện các khuyến nghị, trong đó có các khuyến nghị về giáo dục quyền con người. Việc thực thi này được triển khai trong tổng thể chính sách giáo dục quyền con người tại Việt Nam.
Các bộ, ban, ngành tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền về quyền con người, đặc biệt là phổ biến, đào tạo về Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và các văn kiện quốc tế khác về quyền con người; nỗ lực và chính sách của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về quyền con người được tổ chức với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm pháp luật hoặc lồng ghép qua “Ngày Pháp luật”.
Hoạt động chính của các cơ sở đào tạo trong quá trình thực thi các khuyến nghị của Ủy ban CAT là thực hiện các hoạt động đào tạo, giáo dục pháp luật về quyền con người, đồng thời xây dựng các chương trình/kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến các giá trị quyền con người và pháp luật về quyền con người cho mọi tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức và hiểu biết về quyền con người, góp phần thực hiện các khuyến nghị về tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam.
Quan tâm giáo dục về quyền con người
Trên cơ sở lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ngày 5/9/2017, Chính Phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đề án này xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, cơ quan xây dựng Đề án đã có sự điều chỉnh phù hợp với nội dung lồng ghép giáo dục quyền con người cho phù hợp với từng cấp học.
Hội thảo dạy học nội dung quyền con người trong chương trình giáo dục cấp THCS và THPT.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thành lập hệ thống các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người như: Viện nghiên cứu quyền con người – VIHR thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người và quyền công dân (CRIGHTS, thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về quyền con người và quyền công dân (thuộc Đại học Luật, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như Viện nghiên cứu Gia đình và Giới; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Nghiên cứu con người… đã thành lập Phòng nghiên cứu về quyền con người. Trong đó có những trung tâm trực tiếp tham gia cả vào hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu nhưng cũng có trung tâm chủ yếu ra đời phục vụ quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về quyền con người. Nội dung giảng dạy và đào tạo cũng được các cơ sở chú trọng kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn nhằm hướng người học đến các nhận thức chung về quyền con người.
Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện "Chỉ thị số 34/TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân".
Việt Nam thường xuyên cập nhật giáo trình đào tạo, nhất là giáo trình đào tạo đại học (cử nhân luật), đào tạo nghiệp vụ điều tra và các môn học như “Quyền con người trong thế giới đương đại”, “Quyền con người và các yếu tố bảo đảm quyền con người”; đang triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quyền không bị tra tấn, quyền được bồi thường thiệt hại. Đến nay, Việt Nam đã phối hợp với Hà Lan xây dựng Tài liệu giảng dạy, tập huấn về Công ước CAT, gửi các cơ sở đào tạo để tham khảo xây dựng nội dung tài liệu, giáo trình có liên quan.
Bên cạnh các chương trình đào tạo tập trung, dài hạn, các cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu quyền con người còn tiến hành các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức theo các đề án của Nhà nước; hoặc các chương trình bồi dưỡng kiến thức theo nhu cầu của cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người trong xã hội.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Qua quá trình triển khai, cho đến nay các cơ sở nghiên cứu/đào tạo đã có sự tham gia khá chủ động và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng giáo dục, tuyên truyền và phổ biến các nội dung của quyền con người và pháp luật về quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân đối với vấn đề tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; giúp cho quá trình thực thi các khuyến nghị Ủy ban CAT, đặc biệt là các khuyến nghị liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người trở nên thuận lợi và đạt mục tiêu nhanh chóng hơn.
Giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non.
Để tăng cường hiệu quả giáo dục quyền con người trong thời gian tới cần chú trọng triển khai một một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần kết hợp có hiệu quả việc giáo dục quyền con người với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giảng dạy quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Chương trình giáo dục quyền con người cần đảm bảo tính hiện đại, ổn định và thống nhất, có sự kế thừa giữa các cấp học. Xem xét đưa môn học về nhân quyền với nội dung thích hợp vào chương trình đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam theo hướng là môn bắt buộc đối với các trường đại học đào tạo chuyên ngành luật, và là môn tự chọn đối với các trường đại học đào tạo không chuyên luật. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu từng bước xây dựng và biên soạn tài liệu giảng dạy, và có lộ trình mở các khóa bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Thứ ba, cần sáng tạo và vận dụng nhuần nhuyễn tổng hợp các hình thức, phương pháp giáo dục và tuyên truyền, phổ biến quyền con người khác nhau. Bên cạnh đó, cần chú trọng các hình thức giáo dục đặc thù thông qua các hoạt động hoạch định chính sách, đường lối, hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung quyền con người, cần sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục quyền con người bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả; bảo đảm nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng và mục tiêu; kết hợp giữa phổ biến, giáo dục quyền con người với các kỹ năng sống, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật…
Tuyên truyền về quyền con người cho đối tượng học sinh.
Thứ tư, chú trọng hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn phục vụ công tác giáo dục nhân quyền trong hệ thống các trường đại học Đội ngũ giảng viên phục vụ công tác giáo dục nhân quyền trong các trường đại học bao gồm cả giảng viên chuyên môn nhân quyền và giảng viên trong các chuyên môn khác liên quan đến nội dung nhân quyền.
Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chuyên nghiệp về chuyên ngành luật nhân quyền, đặc biệt là đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, có thể cử giảng viên đi đào tạo, tập huấn ở nước ngoài. Đây là tiền đề để đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy chính thức trong hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời có kế hoạch thu hút các giảng viên, nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước về lĩnh vực này tham gia giảng dạy về luật nhân quyền tại các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các cơ sở giáo dục chuyên ngành luật.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng có trách nhiệm trong giáo dục quyền con người. Các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà giáo dục cần nhận thức đúng tầm quan trọng và sự cần thiết phải đưa giáo dục quyền con người vào trong các chương trình đào tạo ở các cấp học, bậc học, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cần chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các tri thức về nhân quyền cho các chủ thể có trách nhiệm, trước hết là các nhà quản lý, nhà giáo dục.
Thứ năm, xây dựng bộ học liệu chuẩn về quyền con người dành cho các hệ đào tạo đại học và sau đại học.
Thứ sáu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn tài chính thích đáng cho các cơ sở đào tạo để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền con người.
Cần nhấn mạnh rằng quyền con người là tổng hòa của các giá trị trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc giáo dục không chỉ mang lại những hiểu biết thực tế về nội dung quyền con người mà thông qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thúc đẩy, thực hiện và bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, cần trang bị cho người học những kiến thức, hiểu biết về cơ chế bảo đảm quyền con người để việc thực hiện quyền con người trên thực tế đạt hiệu quả cao nhất, nhằm chống lại những hành vi vi phạm.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan