Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Chiến lược tài chính toàn diện), hơn 3 năm qua trên địa bàn tỉnh, người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng thuận lợi với nhiều kết quả nổi bật.
Để đưa chủ trương, chiến lược này vào cuộc sống, ngày 15/9/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 114/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện đến các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động nghiệp vụ tại Vietinbank Chi nhánh Bắc Hưng Yên
Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Phạm vi của chiến lược tài chính toàn diện hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.
Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh cho biết: “Ngành ngân hàng tỉnh tập trung thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ, tín dụng bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiếp tục mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, mạng lưới ngân hàng phát triển đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Từ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến doanh nghiệp đều dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính của ngân hàng. Toàn tỉnh hiện có 27 Chi nhánh ngân hàng, 65 Quỹ tín dụng nhân dân, 94 Phòng Giao dịch của các ngân hàng thương mại, 161 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội, 210 máy ATM, 2.209 máy POS/EFTPOS/EDC, 1.733 đơn vị chấp nhận thẻ ở trung tâm dân cư, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại, dịch vụ, trải khắp 10 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra còn có trên 6.000 tổ vay vốn và tiết kiệm của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội. Các tổ chức tín dụng chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng; dịch vụ ATM; hoạt động thanh toán qua ngân hàng bảo đảm thông suốt, chính xác và an toàn; các thắc mắc, khiếu nại luôn được giải đáp, xử lý một cách nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao năng lực thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm gia tăng mức độ sẵn có, đa dạng về dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số. Tính đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh có 71,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ đạt trên 4.217 tỷ đồng. Chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đẩy mạnh với dư nợ đạt trên 20.369 tỷ đồng. Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Các tổ chức tín dụng đã tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ mới để phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như QR code, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán không tiếp xúc (Contactless), ví điện tử… đảm an toàn, bảo mật. Đến nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện chi trả lương công nhân, người lao động qua tài khoản ngân hàng...
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn như: Mạng lưới giao dịch của các tổ chức tín dụng, ngân hàng mặc dù bao phủ toàn tỉnh nhưng phân bổ chủ yếu ở khu vực thành thị, đối với địa bàn nông thôn còn thưa vắng. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan để phục vụ cho thanh toán các dịch vụ trong nền kinh tế chưa hoàn thiện; thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến; việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng còn hạn chế…
Để thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn. Các ngân hàng thương mại cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ; các ứng dụng dễ sử dụng đối với người cao tuổi. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng tiếp cận với khoa học, công nghệ, nguồn vốn, dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Nguồn: https://baohungyen.vn