Hiện nay chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt thể hiện rõ nét ở lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện đại, giúp khách hàng tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tiện ích.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ngành ngân hàng tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số tiện ích phục vụ Nhân dân và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ số, tự động hóa phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, toàn tỉnh hiện có 210 máy rút tiền tự động (ATM), 2.209 máy chấp nhận thanh toán thẻ POS/EFTPOS/EDC, hàng chục nghìn điểm sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code) được cài đặt tại hầu hết các siêu thị, đại lý kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, cá nhân người bán hàng, cung cấp dịch vụ. Hiện nay, trên các ứng dụng ngân hàng số ngoài các sản phẩm thông thường như gửi tiền tiết kiệm Online, chuyển tiền thanh toán, đã có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích như: Thanh toán tiền điện, nước, điện thoại; đặt và thanh toán vé xem phim, vé tàu, vé máy bay, khách sạn; thanh toán phí bảo hiểm; chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán; nộp thuế; ủng hộ và chuyển tiền từ thiện; tra cứu tỷ giá, lãi suất, quản lý tài chính cá nhân... Với các ứng dụng ngân hàng số, khách hàng có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến giao dịch trực tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm thuận tiện sử dụng các dịch vụ ngân hàng online. Năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng 60% về số lượng và 29% về giá trị so với năm 2022. Hiện tại, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mua bán hàng hóa dịch vụ ở tỉnh đã sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Một số ngân hàng áp dụng công nghệ sinh trắc học (qua khuôn mặt, vân tay) cho khách hàng đăng ký mở tài khoản, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip điện tử, nâng cao tính bảo mật... Anh Nguyễn Văn Mạnh, người dân phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Hiện nay, đa số các khoản chi tiêu của tôi thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Tôi tải App của ngân hàng vào điện thoại di động, áp dụng thanh toán các khoản mua sắm qua QR Code hoặc chuyển tiền qua tài khoản. Việc sử dụng công nghệ số của hệ thống ngân hàng rất tiện ích trong cuộc sống.
Hoạt động nghiệp vụ tại Vietinbank chi nhánh Hưng Yên
Một điển hình trong đẩy mạnh chuyển đổi số là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Hưng Yên. Cùng với các chi nhánh trong cả nước, Agribank Chi nhánh tỉnh Hưng Yên phát hành hiệu quả sản phẩm thẻ ATM Lộc Việt. Sản phẩm thẻ Lộc Việt Agribank tích hợp hai ứng dụng thẻ “ghi nợ” và “tín dụng” trên cùng một con chip với đầy đủ các tính năng của thẻ ghi nợ nội địa cũng như thẻ tín dụng nội địa hạng chuẩn, giúp khách hàng tiện lợi khi giao dịch. Ngoài ra, Agribank còn trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của nông dân. Với những tính năng ưu việt, sản phẩm thẻ Lộc Việt Agribank và ngân hàng số Agribank Digital đều dành được "Giải thưởng Sao Khuê năm 2022". Năm 2023, thẻ Lộc Việt vinh dự đạt Top 50 sản phẩm - dịch vụ được người tiêu dùng tin dùng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đã phát huy hiệu quả trong từng gia đình, thiết thực đối với nhiều người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng cũng đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu để hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý. Trong đó, cần chú ý về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, định danh và xác thực điện tử, cơ chế quản lý, giám sát đối với các công ty, hãng công nghệ tham gia cung ứng dịch vụ ngân hàng lớn vào lĩnh vực thanh toán... Bên cạnh đó, cần chú ý bảo đảm an toàn, bảo mật cho người dân trước xu hướng gia tăng của các loại tội phạm trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cần tập trung chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật. Việc hiện đại hóa ngân hàng được thực hiện trên nền tảng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo... Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, vận hành thông suốt hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình thanh toán điện tử như chuyển mạch giữa các ngân hàng, ví điện tử, QRCode, Mobile Monney và thực hiện Ngân hàng điện tử MobileBanking, InternetBanking… Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, các thủ tục hành chính được nâng lên mức độ 3, mức độ 4 có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia…
Nguồn: https://baohungyen.vn