Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/QĐ – TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đang nỗ lực quy hoạch ngành thủy sản theo hướng phát triển xanh và bền vững.
Cơ sở nuôi ốc nhồi của gia đình anh Hoàng Mạnh Cường xã Đại Hưng (Khoái Châu) mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm trong nước tăng khoảng 18% so với năm 2018; thủy sản nuôi chiếm khoảng 59% sản lượng tiêu thụ và sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 36%... Với nhu cầu thủy sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng lên, ngành thủy sản Việt Nam có cơ hội mở rộng và phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học… Tại tỉnh ta, để phát triển thủy sản theo mục tiêu của tỉnh và Chính phủ, UBND tỉnh giao các sở, ngành chuyên môn đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực thủy sản theo hướng “xanh hóa”, phát triển kinh tế tuần hoàn, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn con giống năng suất, chất lượng vào nuôi thả để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sở Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích sản xuất theo hướng VietGAP, VietGAHP; phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản bảo đảm chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả. Việc cải tạo, chăm sóc, quản lý các ao, đầm nuôi được người dân chú trọng thực hiện. Các địa phương tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu vực sản xuất. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương và các cơ sở nuôi thủy sản trong tỉnh không ngừng tìm kiếm những biện pháp, đầu tư phát triển, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi theo quy hoạch, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi thả đa dạng các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Lươn, ốc nhồi, ba ba…
Huyện Phù Cừ có trên 500 héc - ta nuôi thả thủy sản thâm canh, tập trung ở các xã: Quang Hưng, Nhật Quang, Tống Phan, Tống Trân, Đình Cao… Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Để hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển nuôi thả thủy sản theo hướng năng suất, chất lượng, phòng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, hỗ trợ quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các địa phương xây dựng đường giao thông ra khu quy hoạch sản xuất tập trung; quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung ở các địa phương có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, tiêu úng. Đối với các hộ đầu tư nuôi thả thủy sản ở vùng được quy hoạch, với diện tích ao nuôi từ 3 đến 5 nghìn m2, huyện hỗ trợ công đào đắp bờ 10 triệu đồng/hộ; diện tích ao nuôi từ 5 nghìn m2 trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Năm 2022, huyện hỗ trợ khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung 100 triệu đồng để xây dựng đường điện…
Đồng chí Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phòng tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương có hệ thống sông Hồng, sông Luộc đi qua tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền người dân không đánh bắt, khai thác thủy sản trên hệ thống sông trong thời gian từ ngày 1/3 đến 31/5 hằng năm nhằm bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của một số loài cá nằm trong danh mục cấm như: Cá cháy, cá mòi cờ chấm và cá mòi cờ hoa. Từ năm 2021 đến nay, phòng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thả khoảng 30 vạn con cá giống vào các thủy vực sông để tái tạo nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ 33 hộ nuôi thả thủy sản với diện tích 83 héc – ta tham gia Đề án phát triển thủy sản tỉnh giai đoạn 2020 – 2025…
Với việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thủy sản theo hướng “xanh hóa”, bền vững, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản thương phẩm trong tỉnh đạt 25,5 nghìn tấn; sản lượng cá bột sản xuất và kinh doanh đạt 215 triệu con; sản lượng cá hương, cá giống đạt 130 triệu con. 100% mẫu giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản đạt yêu cầu. Đến nay, toàn tỉnh có trên 60 héc – ta nuôi thả thuỷ sản và trên 150 lồng nuôi cá được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP… Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 6,1 nghìn héc-ta nuôi thả thủy sản với sản lượng đạt trên 69 nghìn tấn, đóng góp 15% vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi thả thủy sản nói riêng gây ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học; mở rộng diện tích nuôi thả thủy sản đặc sản nhằm cân bằng hệ sinh thái môi trường tự nhiên và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi thâm canh tập trung, khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác nuôi thả thủy sản để hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp…
Nguồn: https://baohungyen.vn