Thông thường, những liệt sĩ chưa xác định được danh tính thì trên bia mộ khắc dòng chữ “liệt sĩ vô danh” hoặc “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Thế nhưng, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng (Văn Giang), có 12 liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây đều mang chung tên là Lê Tôn Hy và cùng ghi ở phần quê quán: “Trận Lê Tôn Hy” và một liệt sĩ khác mang tên Văn Đính, phần quê quán cũng ghi “Trận Lê Tôn Hy”.
Phần mộ của những liệt sĩ tham gia “Trận Lê Tôn Hy” tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng
(Văn Giang)
Theo tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang”, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhiều trận đánh diễn ra quyết liệt, không chỉ tiêu diệt được nhiều quân địch, thu giữ nhiều vũ khí, mà còn khích lệ Nhân dân trong huyện nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Năm 1947, thực dân Pháp tăng cường đưa quân về càn quét, đánh chiếm nhiều làng, xã trong huyện để lập tề, xây dựng đồn bốt. Ngày 12/7/1947, địch đóng bốt Công Luận (sau trở thành bốt quận Văn Giang); sau đó tiếp tục đóng bốt Cầu Bùi ở xã Cửu Cao và nhiều địa phương tại các huyện lân cận… Huyện Văn Giang ở vào tình thế bị địch bao vây bốn phía… Hàng ngày, từ các vị trí chiếm đóng chúng đi càn quét, giết người, cướp của, tàn phá làng mạc hết sức tàn khốc: Ngày 12/7/1947, quân địch đốt 496 ngôi nhà ở xã Công Luận; bắn chết 11 người ở thôn Khúc, xã Phụng Công; bắt 21 người ở xã Lại Ốc và Bạc Thượng đem về giam chết ở bốt Nghĩa Trụ; đốt 200 ngôi nhà ở xã Mễ Sở. Mặt khác địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, bắt ép dân lập tề để chống phá cách mạng; một số cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng bị lung lay, có nơi tan vỡ…
Trước tình hình trên, Đảng bộ huyện Văn Giang chủ trương kiên quyết chống địch lập tề, xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền trừ gian, củng cố phục hồi cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh chống địch càn quét. Ngày 24/7/1947, du kích địa phương phối hợp với Tiểu đoàn 56, Trung đoàn 41 (Chiến khu 3) do Tiểu đoàn trưởng Lê Tôn Hy chỉ huy chặn đánh quân địch từ Gia Lâm xuống cùng với quân lính ở bốt Công Luận đi càn quét các xã Xuân Quan, Phụng Công… Quân ta chiến đấu dũng cảm, mưu trí đã phá hủy một xe cam – nhông, bắt sống một lính Pháp, thu một tiểu liên Tôm – xơn, buộc địch phải tháo chạy. Ngày 26/7/1947, từ sáng sớm địch tăng thêm quân tiếp tục đi càn quét, quân ta đánh trả quyết liệt từ 5 giờ sáng tại thôn Bến, xã Phụng Công, tiêu diệt nhiều lính địch. Do lực lượng không cân sức, quân địch đông, có vũ khí hiện đại nên quân ta bị tổn thất, 14 đồng chí đã anh dũng hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Lê Tôn Hy.
Để bảo đảm bí mật quân sự nên khi hành quân, tham gia trận chiến, các chiến sĩ không ai mang giấy tờ có thông tin cá nhân. Mọi người chỉ biết đồng chí chỉ huy Lê Tôn Hy và chiến sĩ liên lạc Văn Đính, 12 chiến sĩ còn lại không ai biết họ tên, năm sinh, quê quán ở đâu... Khi hy sinh, các chiến sĩ được chuyển về đình thôn Ngọc Bộ, xã Long Hưng. Người dân địa phương chuẩn bị quan tài an táng các liệt sĩ. Thi hài của đồng chí Lê Tôn Hy được đưa về quê vợ tại xã Nhật Tân (Tiên Lữ) an táng; 13 chiến sĩ còn lại được an táng trên cánh đồng thôn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hài cốt các liệt sĩ được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng, 12 ngôi mộ của 12 chiến sĩ chưa xác định được thông tin đều mang một tên họ chung: “Liệt sĩ Lê Tôn Hy” và cùng ghi ở phần quê quán: “Trận Lê Tôn Hy”. Liên lạc viên Văn Đính, phần quê quán cũng ghi “Trận Lê Tôn Hy”.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng (Văn Giang), nơi yên nghỉ của 12 liệt sĩ cùng tên “Lê Tôn Hy”
Để tưởng nhớ người tiểu đoàn trưởng chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, xã Phụng Công được đổi tên là xã Lê Tôn Hy trong suốt kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến năm 1956.
Nhằm ngợi ca chiến tích và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, tác giả Lê Huy Biên và Nguyễn Ngọc Tâm đã sáng tác bài hát “Bài ca Lê Tôn Hy”. Ca khúc được phổ biến rộng rãi trong tỉnh Hưng Yên, có nội dung như sau:
“Lê Tôn Hy người anh hùng muôn thuở
Lê Tôn Hy người đã thác oai hùng
Anh mất đi trong mùa thu tháng Tám
Trên con đường Công Luận, Văn Giang.
Trận Từ Hồ, Chùa Sơn, Đông Tảo.
Chắc hồn anh chưa thỏa chí ngàn năm.
Lê Tôn Hy anh còn vang mãi.
Anh thác đi mang mối hờn căm.
Anh chết đi mang nặng nỗi hờn căm
Nhưng chúng tôi đây tiểu đoàn 56
Quyết tâm thề lấy máu rửa hồn anh
Anh ước mong một ngày sắp tới.
Đưa loài người vui sướng với tự do.
Nhưng anh ơi, anh còn đâu nữa!
Một mái đầu xanh sớm khuất lệ sầu phai.”
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Long Hưng luôn nỗ lực phấn đấu, tiếp bước cha ông, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 1997, xã được Đảng và Nhà nước phong tặng “Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; là 1 trong 20 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014; được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022…
Đến thăm nghĩa trang xã Long Hưng vào một chiều muộn, trong khói hương bảng lảng, tôi thầm nghĩ: Các anh không sinh cùng tháng cùng ngày, có tên họ riêng, đến từ những miền quê khác nhau nhưng đều có chung một lý tưởng cách mạng, anh dũng hy sinh cùng một ngày, cùng một trận chiến. Dù cùng mang tên họ Lê Tôn Hy hay là những “liệt sĩ chưa xác định được tên”, các anh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay tự hào và tiếp bước, không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương giàu mạnh!
Nguồn: https://baohungyen.vn