KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 08/05/2025 - Lượt xem: 30
Cơ hội mở rộng hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Nga

Chuyến thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Tổng Bí thư Tô Lâm hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia.

Càphê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nga. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô (nay là Liên bang Nga) từ năm 1950, quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực.

Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012; ban hành Tuyên bố chung về tầm nhìn chung của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030 vào năm 2021.

Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Nga ngày càng phát triển sâu rộng.

Bởi vậy, chuyến thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Tổng Bí thư Tô Lâm hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia.

Quan hệ lâu đời

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy năm 2024, trao đổi hàng hóa giữa hai bên đạt 4,58 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 2,34 tỷ USD, tăng 34%. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD, tăng 18,9%.

Trong quý 1/2025 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,11 tỷ USD, tăng 0,3% so với năm 2024; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt gần 0,54 tỷ USD, tăng 3%. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nga đạt 0,56 tỷ USD, giảm 2,2%.

Đáng lưu ý, các nhóm hàng có mức tăng trưởng cao gồm giày dép; đồ chơi, dụng cụ thể thao; càphê; gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Ngoài ra, về tỷ trọng trong xuất khẩu, càphê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nga. Kế đó là dệt may xếp ở vị trí thứ 2; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác xếp vị trí thứ 3 và thủy sản xếp ở vị trí thứ 4.

(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng tăng trưởng cao tập trung vào sản phẩm khác từ dầu mỏ; ôtô nguyên chiếc các loại; lúa mỳ, dược phẩm. Về tỷ trọng trong nhập khẩu, than các loại có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ Nga. Tiếp theo là phân bón các loại xếp ở vị trí thứ 2 và lúa mỳ xếp ở vị trí thứ 3.

Theo Bộ Công Thương, trong lĩnh vực công nghiệp, hai bên đã triển khai một số hoạt động hợp tác. Cụ thể, với xuất nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường xuyên nhập khẩu than từ đối tác của Nga để phục vụ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, đã ký Nghị định thư giữa Việt Nam và Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Mặt khác, hai bên đang nghiên cứu để thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực tiềm năng như cơ khí, luyện kim, hóa chất, chế biến khoáng sản, cung cấp và sản xuất trang thiết bị phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, dự án giao thông vận tải... Đặc biệt, hợp tác trên lĩnh vực năng lượng-dầu khí là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga.

Hiện nay, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng-dầu khí giữa Việt Nam và Nga không chỉ diễn ra trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu thô mà đã dần mở rộng sang các lĩnh vực triển vọng khác. Cụ thể như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng và phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng của Việt Nam.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga, chia sẻ Việt Nam và Nga là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu đời, là Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Năm 2015 Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đã ký FTA tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay, khoảng gần 90% các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thuế nhập khẩu bằng 0% hoặc ở mức rất thấp, tạo lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Dương Hoàng Minh, việc tham gia hội chợ chuyên ngành sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam tại Nga. Minh chứng, Đoàn Việt Nam tham gia Hội chợ Worldfood Moscow 2024 nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu Việt và thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ tại thị trường rộng lớn này.

Bà Meshcheryakova Elena - Trưởng phòng phát triển chiến lược, Trung tâm thương mại Food City, chia sẻ gần đây, hàng nông sản Việt Nam gia tăng tại thị trường Nga, một số mặt hàng còn củng cố được vị trí trên thị trường chứng tỏ hàng hóa từ Việt Nam có chất lượng tốt và được người tiêu dùng Nga ưa chuộng.

"Các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà kinh doanh bán buôn và bán lẻ tại Nga. Food City sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đưa sản phẩm chất lượng vào phân phối tại đây," bà Meshcheryakova Elena cam kết.

Mở ra cơ hội

Bà Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ OCOP Center, cho hay Công ty OCOP Center là đơn vị ủy thác cho hơn 100 nhà sản xuất nông sản đặc sản hàng đầu Việt Nam, hiện phân phối khoảng 500 mặt hàng đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm này không chỉ mang bản sắc văn hóa sâu sắc mà còn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.

Thế nhưng, bà Thủy cũng chỉ ra những thách thức về cơ chế chính sách và cơ chế liên quan đến thông quan hàng hóa tại cảng, cửa khẩu trong khi đặc thù của sản phẩm nông sản là thời gian bảo quản hạn chế. Do đó, công ty kỳ vọng cơ chế chính sách sẽ được tháo gỡ, đặc biệt chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ mở ra cơ hội nâng tầm quan hệ thương mại, tạo điều kiện để nông sản thâm nhập mạnh mẽ hơn vào Nga.

Một góc cụm cảng biển Cái Mép. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Tương tự, ông Trần Việt Cường, cố vấn cấp cao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuấn Việt Shoes, đánh giá cao tiềm năng của thị trường Nga nhờ dân số đông, nhu cầu đa dạng và sự ưa chuộng hàng nhập khẩu giá hợp lý. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt, biến động tỷ giá và thủ tục logistics, hải quan phức tạp là trở ngại lớn với doanh nghiệp.

Vì vậy, Tuấn Việt Shoes mong muốn nhận được thông tin về chính sách ưu đãi thuế quan, chương trình xúc tiến thương mại và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến từ Nga để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đề xuất hai nước đơn giản hóa thủ tục hải quan, xây dựng “luồng xanh” cho mặt hàng giày dép, đa dạng hóa tuyến vận chuyển và tăng cường minh bạch trong phối hợp hải quan.

Để tăng cường xuất khẩu sang Nga, ông Dương Hoàng Minh cho rằng: Với một thị trường lớn, đa dạng và nhiều cạnh tranh như Nga, để nhắm tới mục tiêu chiếm lĩnh thị phần tương đối, doanh nghiệp cần thiết lập chiến lược định vị thương hiệu bài bản và kế hoạch triển khai cụ thể. Ngoài việc thường xuyên tham gia xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cần mở văn phòng đại diện hoặc thành lập công ty con, cử cán bộ sang làm việc tại Nga để cập nhật tình hình, xu hướng thị trường cũng như thói quen mua sắm phục vụ việc xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông Dương Hoàng Minh khuyến cáo doanh nghiệp nghiên cứu kỹ quy định của nước sở tại về chất lượng, bao bì, nhãn mác..., đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại Nga để bảo vệ thương hiệu tránh vướng phải rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh tại thị trường. Riêng với doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm hợp tác với thị trường Nga nên xem xét tận dụng ưu đãi của Hiệp định Việt Nam-EAEU FTA cũng như ưu đãi đầu tư của Nga để đầu tư sản xuất tại thị trường đầy tiềm năng này.

“Thương vụ Việt Nam tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp, tư vấn, hỗ trợ, kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn phát triển xuất khẩu sang thị trường Nga," ông Dương Hoàng Minh khẳng định.

Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, năng lượng và hợp tác đầu tư.

Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, thực chất về tình hình hợp tác song phương và các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt 10-15 tỷ USD vào năm 2030 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị phía Nga tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), thúc đẩy dỡ bỏ biện pháp phòng vệ ngưỡng đang áp dụng với một số mặt hàng dệt may, giày dép của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Việt Nam-EAEU FTA nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại giữa hai bên.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác dầu khí tại Việt Nam và Nga. Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý các loại hình năng lượng mới. Doanh nghiệp Nga cần quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định đầu tư và lựa chọn dự án phù hợp để tham gia đấu thầu tại Việt Nam.

Đặc biệt, hai bên khẳng định quyết tâm, tạo chuyển biến thực chất về hợp tác kinh tế - thương mại, năng lượng, đầu tư và nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ chuẩn bị cho các chuyến thăm và sự kiện cấp cao sắp tới góp phần củng cố và sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan