Trong dự thảo Luật Căn cước, Bộ Công an đề nghị bổ sung thông tin về sinh trắc học, bao gồm mống mắt vào thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Bổ sung dữ liệu về mống mắt có thể gây tốn kém
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề nghị bỏ đề xuất thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước công dân.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn).
Điều 15 của dự thảo Luật về Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước quy định, thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Giải thích về đề xuất không thu thập dữ liệu về mống mắt, đại biểu Lưu Bế Mạc nói: Trên thực tế, trang thiết bị chuyên dụng để thu thập thông tin sinh trắc học ở nhiều địa phương còn chưa được bảo đảm.
Hơn nữa, theo số liệu của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, tính đến nay, Bộ Công an đã đã cấp trên 80,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. Số căn cước này đều chưa được tích hợp thông tin sinh trắc học của người dân. Việc bổ sung thêm sẽ gây nhiều tốn kém.
Có quan điểm trái ngược, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc thu thập bắt buộc thông tin sinh trắc học về mống mắt là cần thiết. Xuất phát từ nhu cầu làm đẹp, việc thay đổi khuôn mặt và phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trở nên phổ biến. Việc này sẽ gây ít nhiều khó khăn trong quá trình nhận diện danh tính công dân. Ngược lại, không giống như khuôn mặt, mống mắt là thông tin cố định. “Không ai có thể sửa mống mắt” - đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, công nghệ quét mống mắt sẽ phù hợp với xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống.
Mống mắt của con người được hình thành từ 10 tháng tuổi và không thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người. Công nghệ nhận diện mống mắt là phương pháp áp dụng thuật toán hình ảnh để nhận dạng một người nào đó dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt, thậm chí ngay cả khi họ đang đeo kính hoặc sử dụng áp tròng từ một khoảng cách nhất định.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Duy Linh
Cấp giấy tờ tuỳ thân cho người không quốc tịch để quản lý
Trước đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước công dân cho người không quốc tịch, đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị Quốc hội cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. Việc cấp giấy chứng nhận cho tất cả những người chưa xác định quốc tịch có thể gây ra nhiều vấn đề, nhất là khi hiện tượng di cư bất hợp pháp ngày càng trở nên phổ biến.
Đại biểu cho biết, trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài di cư tới Việt Nam để tìm việc làm. Họ có thể bỏ hộ chiếu, không nói tiếng bản ngữ khiến việc xác minh quốc tịch trở nên khó khăn. Theo đó, việc cấp giấy tờ tuỳ thân, xác định căn cước cho người không quốc tịch có thể gián tiếp tạo điều kiện cho hiện tượng này.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Duy Linh
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) lại cho rằng, việc bãi bỏ đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước công dân cho người không quốc tịch là bất hợp lý.
“Người Việt Nam có chứng minh nhân dân, người nước ngoài có hộ chiếu, còn người không quốc tịch, chúng ta chưa có một giấy tờ gì để quản lý họ cả”, đại biểu giải thích.
Đại biểu Thuỷ nhất trí với việc cần cấp giấy tờ tuỳ thân, xác định căn cước cho những đối tượng trên để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện. Việc xác định căn cước cũng sẽ tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu, bảo đảm cuộc sống.
Nguồn: https://nhandan.vn