KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 05/06/2023 - Lượt xem: 327
Cộng đồng doanh nghiệp Hưng Yên với phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua trong cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, ngày 11/10/2016, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Thực hiện phong trào thi đua, thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đổi mới phương án sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản xuất tại Công ty cổ phần ống đồng Toàn Phát (Khu công nghiệp Phố Nối A)
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, những năm qua, Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ) đã có sự phát triển vượt bậc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của người lao động. Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2000 giúp công ty kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm 100% sản phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu chất lượng. Hệ thống quản lý chất lượng khoa học đã giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bộ máy được cải tổ, năng lực cạnh tranh nâng cao trong bối cảnh ngành dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Bên cạnh áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng, một số giải pháp được lãnh đạo công ty chú trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đó là liên tục đầu tư có hiệu quả, đổi mới, cải tiến hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến như: Máy bổ túi tự động, máy cắt chỉ tự động, máy chuyên dùng điện tử, máy nhồi lông vũ tự động… Công ty thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong từng bộ phận, trong từng thao tác, tham gia làm gá, cữ, khuôn dưỡng để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các phong trào thi đua được phát động đã đem lại kết quả tích cực, làm tăng năng suất lao động, thu nhập người lao động được nâng cao. Để phát triển rộng hơn các phong trào thi đua, công ty đã xây dựng và duy trì thực hiện tốt nội quy lao động, quy chế thi đua, khen thưởng, quy chế tiền lương, thưởng. Qua đó, kịp thời khuyến khích người lao động sáng tạo. Nhờ đó, phong trào thi đua được người lao động trong công ty nhiệt tình hưởng ứng. Hằng năm, nhiều sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, được các cấp, ngành khen thưởng.
Theo đánh giá của ngành Công Thương, với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia góp sức vì cộng đồng, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và xây dựng nông thôn mới... Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động…
Để có được kết quả trên, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh. Thông qua phong trào thi đua, nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực. Tỉnh đã hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách bộ máy hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp. 
Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng, triển khai các đề án khởi nghiệp, thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, gia tăng năng suất, chất lượng, thương hiệu hàng hóa. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư; tổ chức gặp mặt thường kỳ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các đề xuất, phản ánh, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc, tiêu biểu... 
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách để đồng hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp, các buổi đối thoại, làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ)
Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo diễn ra sôi động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều công ty, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh, qua đó từng bước khẳng định vị thế của doanh nghiệp Hưng Yên.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan