KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 21/09/2023 - Lượt xem: 541
Công ty Điện lực Hưng Yên: Đẩy mạnh triển khai các dự án đa chia đa nối

Để bảo đảm lưới điện luôn được vận hành an toàn, ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng điện năng, Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) đã triển khai các giải pháp kiểm tra, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, củng cố lưới điện bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Trong đó, PC Hưng Yên tập trung vào các dự án đa chia đa nối (MDMC) xây dựng mạch vòng hỗ trợ cấp điện giữa các đường dây, góp phần giảm sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 
Điện lực Kim Động kiểm tra hoạt động thiết bị điện tại Công ty Cổ phần Thuận Đức
Hiện nay, lưới điện của tỉnh được cấp điện từ 5 trạm biến áp (TBA) 220kV gồm các TBA: 220kV Phố Nối nối cấp thuộc TBA 500kV Phố Nối, Phố Nối, Kim Động, Yên Mỹ, Long Biên. Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 đường dây 110kV, 18 TBA 110kV, trong đó có 34 máy biến áp (MBA) 110kV với công suất đặt 2.073MW. Các TBA 110kV trên địa bàn tỉnh được cấp điện từ 2 đến 3 đường dây 110kV và vận hành theo phương thức khép vòng nên bảo đảm sự linh hoạt trong vận hành và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Lưới điện trung thế có 141/145 đường dây được liên kết với nhau bằng các mạch vòng qua các máy cắt, recloser được nhận điện từ tối thiểu 3 nguồn điện trở lên do đó thuận lợi trong việc vận hành lưới điện.
Với việc thực hiện các giải pháp đa chia đa nối (MDMC) là giải pháp thực hiện xây dựng thêm các đoạn đường dây và lắp đặt các thiết bị đóng cắt (REC, LBS) để tạo liên lạc giữa các đường dây trung áp. Đó là thực hiện phân đoạn đường dây trung áp nhằm hạn chế tối đa khu vực mất điện khi cắt điện đường dây cấp điện hiện trạng để công tác hoặc khi phân đoạn, khắc phục sự cố. Phương án đa chia đa nối MDMC là kết hợp với lắp đặt thiết bị, kênh truyền 3G/APN, cấu hình hệ thống kết nối các recloser, LBS về trung tâm điều khiển góp phần linh hoạt trong công tác thay đổi kết dây, phương thức vận hành các đường dây trung áp, không để đầy, quá tải đường dây, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, năng suất lao động; tạo tiền đề cho việc áp dụng các giải pháp tự động hóa lưới điện phân phối, đó là: Tính toán trào lưu công suất (DSPF - Distribution System Power Flow); dự báo công suất hệ thống (DSSE - Distribution System State Estimator); lập kế hoạch phụ tải ngắn hạn (STLS - Short-Term Load Scheduler); định vị sự cố (FLOC - Fault Location); cô lập và tái lập (FISR - Fault Isolation and Service Restoration) và kiểm soát hạn chế tổn thất (VCC - Volt-VAr Control). Các giải pháp trên góp phần nâng cao tối đa hiệu quả của các dự án về nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tăng sản lượng điện thương phẩm, năng suất lao động và giảm tổn thất điện năng.
Điện lực Khoái Châu kiểm tra hoạt động thiết bị điện tại Công ty Cổ phần Đầu tư Royal Việt Nam
Ngoài ra, khi đưa vào vận hành các dự án đa chia đa nối kết hợp với hệ thống kết nối các recloser, LBS về trung tâm điều khiển và đồng vị pha lưới điện trung áp bằng thiết bị kiểm tra đồng vị pha không dây còn phục vụ các giải pháp tự động trong xử lý sự cố như: Tự động phân đoạn sự cố và chuyển phương thức cấp điện cho các khách hàng không bị sự cố trong thời gian nhanh nhất giúp giảm phạm vi và thời gian bị mất điện do ảnh hưởng của sự cố. Qua đó, các quy trình điều độ, quy trình xử lý sự cố truyền thống thực hiện theo lệnh điều độ đã sử dụng phối hợp trình tự điều độ, xử lý sự cố từ hệ thống máy tính đảm bảo chính xác, an toàn và nhanh chóng, góp phần vào việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành điện. 
Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuận Đức (Kim Động) cho biết: Công ty có 4 nhà máy hoạt động trên địa bàn huyện Kim Động. Thời gian qua, cùng với việc ngành điện đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong khâu vận hành lưới điện, điển hình như dự án MDMC đã giúp hoạt động sản xuất của công ty ít bị gián đoạn, góp phần tăng năng suất lao động. Khi ngành điện sửa chữa lưới điện tại nhà máy 1, thì các nhà máy 2, 3, 4 của công ty vẫn có thể hoạt động sản xuất bình thường. Điều đó tạo thuận lợi cho khách hàng, nhất là những doanh nghiệp sử dụng sản lượng điện lớn. 
Ông Ngô Thế Tuyển, Phó Giám đốc PC Hưng Yên cho biết: Với mục đích hướng tới xây dựng ngành điện Hưng Yên hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị, thời gian tới, PC Hưng Yên tiếp tục có những giải pháp về công nghệ mới. Công ty bố trí nguồn vốn để nhân rộng, triển khai các dự án MDMC đối với các đường dây trung áp trên địa bàn. Bổ sung các thiết bị đóng cắt LBS, REC có kết nối và điều khiển xa và lắp đặt thiết bị, kênh truyền 3G/APN, cấu hình hệ thống kết nối các REC, LBS về trung tâm điều khiển và tự động hóa (DMS) các mạch vòng lưới điện trung áp còn lại trên lưới điện tỉnh Hưng Yên.
Cùng với đó, PC Hưng Yên trang bị bổ sung các thiết bị tại trung tâm điều khiển (DMZ và Firewall) để kết nối các thiết bị trung áp (REC, RMU, LBS,…) về trung tâm điều khiển sử dụng kênh truyền 3G/APN bảo đảm đồng bộ với các dự án kết nối recloser, LBS bằng kênh truyền 3G/APN do PC Hưng Yên đang triển khai. Công ty đẩy mạnh áp dụng công nghệ đấu nối, sửa chữa điện nóng hotline lưới điện 35kV. Khi đó cơ bản sẽ bảo đảm toàn bộ lưới điện trung thế trên địa bàn tỉnh được đấu nối, sửa chữa bằng công nghệ hotline “làm việc trên lưới điện trung thế không phải cắt điện”. Việc áp dụng công nghệ hiện đại này góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải trên địa bàn và không gây gián đoạn trong quá trình sản xuất, sinh hoạt của khách hàng.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan