KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 09/08/2023 - Lượt xem: 634
Cùng doanh nghiệp vượt khó, duy trì việc làm bảo đảm đời sống người lao động

Ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiêp (DN). Một số DN buộc phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, người lao động (NLĐ) bị cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, kéo theo đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với lãnh đạo DN triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm duy trì việc làm bảo đảm đời sống cho NLĐ.

Công ty TNHH Foremart Việt Nam (Ân Thi) bảo đảm việc làm cho 100% người lao động
Là 1 trong số 1.200 người lao động của Công ty TNHH giày Ngọc Tề (tại huyện Yên Mỹ và chi nhánh huyện Tiên Lữ) bị giảm giờ làm, chị Nguyễn Thị Trang (Phù Cừ) cho biết: Những tháng gần đây, DN bị giảm đơn hàng nên tôi bị cắt giờ tăng ca hằng ngày và cả thứ bảy. Trước đây, thu nhập của tôi khoảng 8 – 9 triệu đồng/tháng, hiện nay còn khoảng 6 triệu đồng/tháng nên mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình phải tiết kiệm mới đủ.
Tại Công ty Tianye Outdoor (Phù Cừ) có 325 người lao động làm việc, sau một thời gian dài không có đơn hàng, sản phẩm không xuất khẩu được nên tháng 4/2023, DN đã có thông báo ngừng hoạt động. Chị Phạm Thị Mai (Tiên Lữ) cho biết: Sau khi mất việc làm ở công ty, tôi rất khó để tìm việc làm phù hợp bởi giai đoạn này nhiều DN gặp khó khăn, không có nhu cầu tuyển dụng lao động. Vì vậy, mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình đều phải tằn tiện, chắt bóp mới đủ trang trải.
Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật (Văn Giang) có 151 người lao động việc làm bị ảnh hưởng, trong đó 20 người lao động đã nghỉ việc. Qua tìm hiểu được biết công ty không bán được hàng, doanh thu giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy DN phải cắt giảm người lao động, chỉ giữ lại những người đã gắn bó lâu năm với DN.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, từ đầu năm đến ngày 22/6, toàn tỉnh có 20 DN giải thể làm hơn 3.500 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, huyện Yên Mỹ có 11 DN giải thể, huyện Phù Cừ 6 DN; Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh có 36 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng với gần 1.500 lao động bị giảm giờ làm. Nguyên nhân chủ yếu do các DN không có đơn hàng, bị cắt điện luân phiên, thị trường tiêu thụ khó khăn, khách hàng ít, không thể ổn định sản xuất. DN gặp khó khăn, quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Từ tháng 12/2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ NLĐ tại DN tụ tập đông người, chủ yếu liên quan đến việc nợ lương, giảm tiền thưởng Tết…
Trước khó khăn của NLĐ, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ với số tiền gần 60,8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, hơn 12 nghìn đoàn viên được mua hàng giảm giá, mua hàng với giá 0 đồng; 1 nghìn NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà; hơn 35.700 lượt NLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất của DN, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Từ đó, tổ chức đối thoại, thương lượng với lãnh đạo DN xây dựng phương án sử dụng lao động, duy trì việc làm nhiều nhất cho NLĐ, bố trí sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tăng cường phối hợp để đào tạo, đào tạo lại lao động. 6 tháng đầu năm, đã có 334 CĐCS khối DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; các cấp công đoàn tổ chức 529 cuộc đối thoại tại 466 DN; 431 CĐCS DN ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Đặc biệt, tổ chức công đoàn đã phát huy được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ khi phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ lao động.
Ông Doãn Trung Đông, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Foremart Việt Nam (Ân Thi) cho biết: Công đoàn tham mưu với doanh nghiệp nỗ lực duy trì việc làm và bảo đảm các chế độ, chính sách cho NLĐ. Để thích ứng với việc tiết kiệm và cắt điện luân phiên, công đoàn đã tham mưu doanh nghiệp sử dụng luân phiên cả máy phát điện và điện lưới. Bên cạnh đó, DN tính toán các phương án sản xuất phù hợp, phát triển nhiều mẫu hàng và tìm kiếm các đơn hàng, thị trường mới. Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN không bị ảnh hưởng, bảo đảm việc làm cho 100% NLĐ với mức thu nhập ổn định như những năm trước.
Tại một số DN đã năng động tìm thị trường mới, đồng thời áp dụng các biện pháp giãn tiến độ sản xuất, cho NLĐ làm việc luân phiên, sau đó tổ chức tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho NLĐ. Nhiều DN còn chấp nhận thực hiện những đơn hàng giá thấp để giữ việc làm cho NLĐ. Đối với DN buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ, CĐCS chủ động tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của DN, giám sát DN chi trả các chế độ, chính sách dành cho lao động.
Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, các DN đều mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các cấp, ngành, đặc biệt là của NLĐ để vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan